Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

12:19, 25/10/2014
Đau mắt đỏ dùng để chỉ một số bệnh viêm kết mạc. Viêm kết mạc là tình trạng viêm màng nhầy bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong năm nhưng thường gặp nhất là vào mùa hè và mùa thu khi thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa.
 
Bệnh có thể lây lan rộng trong cộng đồng và gây thành dịch. Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc như nhiễm khuẩn, khô mắt, do siêu vi...

Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ là mắt đỏ và có ghèn, cảm giác khó chịu ở mắt như có gì rơi vào mắt gây cộm, thường là một mắt bị đỏ trước sau đó mới lan sang mắt thứ hai .

Khi bị viêm kết mạc do nhiễm khuẩn buổi sáng ngủ dậy sẽ thấy hai mắt dính khó mở, có nhiều ghèn, kết mạc mắt đỏ.

Viêm kết mạc do siêu vi sẽ có dấu hiệu như chảy nước mắt nhiều, cảm giác như có vật lạ ở trong mắt, mắt sưng. Bệnh sẽ lây lan rất nhanh nếu đang có dịch, vì vậy cần giữ vệ sinh mắt để tránh bệnh lây lan.

Bệnh thường lây trực tiếp qua tiếp xúc với nước mắt, bắt tay, cầm và sử dụng những vật dụng mà người bệnh vừa sử dụng như điện thoại, khăn lau…

Khi bị bệnh đau mắt đỏ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, năng suất lao động và chất lượng học tập. Trong trường hợp điều trị không đúng cách có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm đối với mắt, nhất là khi bệnh nhân tự mua thuốc điều trị theo cách của mình hoặc dùng chung thuốc với người khác. Tuyệt đối không xông lá trầu không, xông tinh dầu vì sức nóng của tinh dầu càng làm cho kết mạc mắt thêm phù nề. Khi có các biểu hiện nói trên cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn các biện pháp điều trị và cách phòng bệnh cho những người xung quanh.

Nếu phát hiện bị bệnh, trẻ em không nên đến trường và người lớn cũng nên nghỉ làm việc để tránh lây bệnh cho mọi người xung quanh.

Cũng cần lưu ý, khi bị đau mắt đỏ dù đã điều trị khỏi nhưng một tuần sau đó vẫn có thể lây bệnh cho người khác, nên mọi người cần có ý thức cách ly, tránh dùng chung dụng cụ sinh hoạt như chậu rửa mặt, khăn rửa mặt; không dùng tay dụi mắt, nên rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch sau mỗi lần tra thuốc, lau mắt; hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Đối với những người chưa mắc bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không nên sử dụng chung những đồ dùng cá nhân như khăn lau mặt, chậu rửa mặt, gối. Đồ dùng cá nhân nên được giặt sạch và khơi khô dưới ánh nắng mặt trời hằng ngày. Khi phải tiếp xúc với người bệnh cần chú ý vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng và dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt hằng ngày, nhưng cần dùng riêng mỗi người một lọ, tránh nguy cơ lây lan.

Khi có dấu hiệu đỏ mắt, mọi người cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và điều trị kịp thời.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.