Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nguồn dược liệu ở Hội Đông y thị xã Buôn Hồ

15:17, 30/10/2014
Những năm qua, việc phát triển nguồn dược liệu, cây thuốc quý có tại địa phương được Hội Đông y thị xã Buôn Hồ quan tâm, đóng góp không nhỏ trong công tác khám chữa bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Từ khi tham gia sinh hoạt tại Hội Đông y thị xã Buôn Hồ (năm 1996), lương y Lê Bá Tiễn bắt tay trồng cây thuốc trong vườn nhà để có nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người thân và bà con lối xóm. Ban đầu, vườn thuốc nam của gia đình ông chỉ có một vài loại cây thuốc thông thường, đến khi được Hội cung cấp cây giống và các tài liệu liên quan về cây thuốc, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích vườn thuốc nam của gia đình lên 165m2 và trồng trên 40 loại cây thuốc, trong đó có nhiều loại thuốc quý như: bạch hoa xà, bạch hạc, mía dò, huyết giác, trinh nữ hoàng cung... Hiện tại, vườn thuốc nam của gia đình ông không chỉ cung cấp tương đối đầy đủ các loại thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh tại nhà, tạo nguồn thực phẩm dồi dào, không gian xanh mà còn là nơi để giới thiệu, cung cấp cây giống cho hội viên và người dân trên địa bàn xây dựng khóm thuốc gia đình.

Lương y Lê Bá Tiễn và vườn thuốc nam của gia đình.
Lương y Lê Bá Tiễn và vườn thuốc nam của gia đình.

Không chỉ riêng gia đình lương y Lê Bá Tiễn, hiện ở thị xã Buôn Hồ có hơn 100 hộ gia đình trồng khóm thuốc nam, vừa sử dụng để trị các bệnh thông thường, vừa cung cấp nguồn dược liệu cho các trạm y tế trên địa bàn. Không những thế, tại mỗi trạm y tế xã, phường đều duy trì vườn thuốc nam mẫu với diện tích từ 100m2 – 500m2 với trên 40 loại cây thuốc thông thường. Riêng vườn thuốc nam của Hội Đông y thị xã có trên 50 cây thuốc, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Có được kết quả này là nhờ những năm qua Hội Đông y thị xã Buôn Hồ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nguồn dược liệu tại địa phương. Lương y Ngô Văn Tam, Phó Chủ tịch Hội Đông y thị xã Buôn Hồ cho biết: “Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Hội là công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đồng thời cung cấp cây giống tốt và tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt cũng như cách sử dụng thuốc nam đối với một số bệnh thường gặp để vận động nhân dân trồng thêm nhiều khóm thuốc gia đình, tăng dần diện tích nguồn dược liệu tại cơ sở”.

Rõ ràng, việc chú trọng phát triển diện tích vườn thuốc nam tại địa phương không chỉ giúp duy trì được nguồn dược liệu sạch mà công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc