Một số lưu ý khi dùng nước uống thuốc
Trong mọi trường hợp, nước đun sôi để nguội là chất lỏng thích hợp nhất để uống thuốc. Hầu hết các loại thuốc khi hòa tan với nước sẽ không có hiện tượng tương tác hoặc tương kỵ. Nhờ có nước, thuốc hoặc các hoạt chất của nó không bám đọng vào thành thực quản, làm giảm khả năng gây kích ứng hoặc loét bộ phận này. Nước giúp thuốc tới tá tràng (nơi dễ hấp thu nhất) hòa tan và giúp thuốc di chuyển, phát huy tác dụng trong cơ thể.
Không nên uống thuốc theo cách nuốt chửng hoặc sử dụng các chất lỏng sau đây:
Sữa: Ion canxi trong sữa có thể làm giảm sự hấp thu một số thuốc trong đó có phần lớn kháng sinh thông dụng như erythromycin, penicillin, tetracyclin, lincomycin, clindamycin, muối sắt… Với hàm lượng lipid cao, sữa khiến cho các thuốc ưa lipid bị giữ lại lâu hơn trong dạ dày. Đồ uống này cũng làm giảm tác dụng của các thuốc mang tính acid do có độ kiềm cao. Sữa cũng làm chậm tốc độ khuếch tán của những thuốc có hệ số phân tán dầu trong nước cao.
Trà và cà phê: Chất cafein trong các đồ uống này sẽ làm kết tủa thuốc aminazin, haloperdol… làm giảm hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa. Chất tanin trong trà cũng gây kết tủa nhiều loại thuốc có chứa sắt hoặc alcaloid.
Nước hoa quả, nước khoáng kiềm hoặc nước ngọt có ga: Các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc làm thuốc được hấp thu quá nhanh. Chúng cũng có thể làm tăng tác dụng hoặc gây ngộ độc thuốc.
Rượu: Chẳng những bệnh nhân không được uống thuốc với rượu mà còn kiêng rượu trong thời gian dùng thuốc. Khi tương tác với thuốc, rượu có thể gây ngộ độc và nhiều biến chứng nguy hiểm như: chảy máu dạ dày, hôn mê, co giật, viêm gan nhiễm độc, hạ đường huyết đột ngột…
Ds. Nguyễn Văn Long
Ý kiến bạn đọc