Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản được xác định là không lây truyền từ người sang người mà qua trung gian là chủng muỗi Culex. Muỗi Culex cái hút máu động vật có nhiễm vi-rút sau đó đốt người và truyền bệnh. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như: sốt, đau đầu, buồn nôn. Nặng hơn là sốt cao, co giật và rối loạn tri giác, nguy cơ tử vong cao. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản được đưa vào chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 1 – 15 tuổi ở tỉnh ta từ năm 2009. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ liều loại vắc-xin này không cao, chỉ đạt 74,1% vào năm 2013 và 86,8% trong năm 2014. Cuối tháng 5-2015, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Bệnh nhân tử vong chưa được chủng ngừa vắc-xin viêm não Nhật Bản.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống viêm não Nhật Bản là được tiêm vắc-xin đầy đủ. Cụ thể:
- Mũi 1: Khi trẻ được 1 tuổi
- Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1- 2 tuần
- Mũi 3: Cách mũi 2 một năm
Sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
Nếu chỉ tiêm mũi 1 thì không có hiệu lực bảo vệ. Mũi 2 có hiệu lực 80%. Tiêm đầy đủ 3 mũi có thể bảo vệ từ 85 – 95%.
Ngoài biện pháp tiêm chủng, mọi người cũng cần bảo vệ mình bằng việc thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống xung quanh, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi gây bệnh.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc