Multimedia Đọc Báo in

Cùng nỗ lực tham gia công tác phòng chống bệnh MERS-CoV

07:53, 12/07/2015

Hiện nay, dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) tiếp tục diễn biến phức tạp tại các nước khu vực Trung Đông và một số nước Châu Á.

Mặc dù, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh MERS-CoV, song nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Hàn Quốc (nước đứng đầu Châu Á về số người mắc và tử vong do MERS-CoV) và các quốc gia Trung Đông. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào Việt Nam.

Diễn tập tiến hành các kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán người bệnh nghi nhiễm MERS-CoV tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hà Nội.  Ảnh: T.L
Diễn tập tiến hành các kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán người bệnh nghi nhiễm MERS-CoV tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: T.L

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các địa phương trong cả nước, thời gian qua, Dak Lak cũng đã xây dựng kế hoạch, tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất để ứng phó với nguy cơ bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống MERS-CoV trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra 3 tình huống: chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; dịch có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Kinh phí thực hiện công tác phòng chống MERS-CoV khi chưa có trường hợp bệnh tại Việt Nam sẽ sử dụng nguồn sẵn có tại các đơn vị. Đồng thời, bổ sung 600 triệu đồng để mua trang bị phòng hộ, dụng cụ, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch và triển khai các hoạt động tập huấn phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát, truyền thông... Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của địa phương tích cực tham gia công tác phòng chống MERS-CoV. Trong đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế; liên hệ với Ban Chỉ đạo chống dịch Trung ương để nắm chắc diễn biến dịch, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời tổ chức kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch MERS-CoV của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sở Tài chính cân đối ngân sách, tham mưu bố trí kinh phí chuẩn bị ban đầu cho công tác phòng chống MERS-CoV trong tình huống chưa có ca bệnh ghi nhận tại Việt Nam và sẵn sàng bổ sung kinh phí chống dịch trong tình huống nguy cơ dịch đe dọa tại tỉnh, xuất hiện ca bệnh tại tỉnh hoặc dịch có xu hướng lây lan rộng trong cộng đồng. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch, nhất là kế hoạch thiết yếu trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng. Sở Y tế chịu trách nhiệm chính, tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch nguy hiểm ở người của tỉnh tăng cường chỉ đạo các hoạt động phòng, chống MERS-CoV; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ MERS-CoV; chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch; tổ chức tập huấn về giám sát phòng chống, chẩn đoán, điều trị cho cán bộ y tế...

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - nơi được chọn là điểm tiếp nhận, điều trị khi xuất hiện ca bệnh MERS-CoV trên địa bàn, đến thời điểm này, bệnh viện đang tích cực chuẩn bị cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực để sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam và xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Để kịp thời ứng phó khi có ca bệnh MERS-CoV xảy ra trên địa bàn, bệnh viện chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV của đơn vị do một đồng chí Phó Giám đốc làm trưởng ban với các thành viên là những người làm việc ở những bộ phận liên quan như khu cấp cứu, khu khám bệnh, khu nhiễm, hậu cần, vật tư, dược, kế hoạch tổng hợp… Về cơ sở vật chất, trưng dụng khoa Truyền nhiễm làm khu vực điều trị cách ly. Đồng thời, bổ sung thêm các máy móc, thiết bị cần thiết phục vụ công tác cấp cứu và điều trị khi có ca bệnh xuất hiện. Đối với nhân lực, chúng tôi cũng đã có sự phân công cán bộ y bác sĩ tham gia công tác trực cấp cứu và điều trị  dựa trên nguồn nhân lực sẵn có tại các khoa phòng; triển khai cho đội ngũ y bác sĩ tập huấn về giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh MERS-CoV. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, làm cho cán bộ, công chức trong đơn vị nhận thức rõ nguy cơ của bệnh và cách phòng ngừa, bởi trên thực tế mình phải là người hiểu biết về quá trình phòng bệnh thì mới hướng dẫn cho bệnh nhân cách phòng bệnh và tránh lây nhiễm bệnh cho người khác hiệu quả…”.

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo của ngành Y tế, tại các địa phương trong tỉnh, công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cũng được triển khai tích cực. Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, mỗi huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch riêng, phù hợp với tình hình tại địa phương để công tác phòng chống bệnh MERS-CoV đạt được hiệu quả cao nhất. Vật tư, trang thiết bị chống dịch ở hầu hết các địa phương đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản khi có ca bệnh xuất hiện trên địa bàn.

Có thể thấy, dịch bệnh MERS-CoV mặc dù rất nguy hiểm nhưng đã được tỉnh, ngành Y tế và các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phòng, chống. Chính vì vậy, người dân không nên hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh tại các nước trong khu vực và trên thế giới, thay vào đó cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh: chủ động vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên lau chùi các vật dụng có nhiều người tiếp xúc (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…), đeo khẩu trang khi ra đường, không nên đến những vùng đang có dịch lây lan khi không có việc cần thiết…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.