Multimedia Đọc Báo in

Chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết

09:41, 17/11/2015

Đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận trên 2.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó khu vực TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar là 2 điểm “nóng” nhất. Để phòng, chống SXH hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng một cách chủ động hơn nữa.

Từ đầu năm 2015 đến nay, TP. Buôn Ma Thuột có hơn 800 ca mắc bệnh SXH, chiếm 40% số ca trên toàn tỉnh, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2014. Đặc biệt là thời điểm từ đầu tháng 10 đến nay, số ca mắc SXH tăng đột biến với khoảng 400 ca. Theo nhận định của ngành y tế thì dịch bệnh SXH vẫn đang có diễn biến rất phức tạp, số ca mắc bệnh ngày một tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tại TP. Buôn Ma Thuột, các phường nội thành có số ca mắc SXH cao hơn so với khu vực ngoại thành. Nguyên nhân là do mật độ dân cư đông nên khi có dịch sẽ lây lan nhanh. Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên không tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Một số hộ gia đình chưa hợp tác, tạo điều kiện cho việc phun hóa chất diệt muỗi nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh.

Người dân tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar)  dọn vệ sinh diệt bọ gậy.
Người dân tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) dọn vệ sinh diệt bọ gậy.

Trên địa bàn huyện Cư M’gar từ đầu năm đến nay đã có 376 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 359 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, địa bàn có số người mắc nhiều nhất là thị trấn Quảng Phú với 140 trường hợp. Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar cho biết, để tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động như giám sát bệnh nhân, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tăng cường hoạt động của đội ngũ cộng tác viên cơ sở, ra quân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch bằng các biện pháp như phun hóa chất… Lý giải về nguyên nhân gia tăng đột biến về số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn, ông Nguyệt nhận định: thời điểm từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm thời tiết thường có mưa nhiều, độ ẩm cao khiến muỗi truyền bệnh SXH có điều kiện thuận lợi sinh sôi nảy nở. Theo chu kỳ dịch SXH lớn thì cứ 4-5 năm một lần, và năm nay đúng chu kỳ của dịch. Bên cạnh lý do mang tính quy luật này, ông Nguyệt cũng đề cập đến sự thờ ơ của người dân đối với việc diệt bọ gậy, diệt muỗi, hoặc thực hiện hoạt động cần thiết này chưa thường xuyên và đúng cách; kinh phí còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh…

Bác sĩ Trịnh Quang Trí khuyến cáo, muỗi vằn truyền bệnh SXH sống chung quanh chúng ta. Chúng thường đẻ trứng ở những vật dụng chứa nước như: chậu, lọ cắm hoa, khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh, bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lọ phế thải, lốp xe, vỏ dừa... Chính vì vậy, diệt bọ gậy hằng tuần để bảo đảm không có nơi sản sinh ra muỗi là yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống SXH. Theo bác sĩ Trí, mỗi người dân nên dành mỗi tuần ít nhất 5-10 phút để thu dọn vệ sinh sân vườn, đường làng ngõ xóm, loại bỏ các vật dụng chứa nước quanh nhà. Một chu trình sinh trưởng của muỗi có thể sinh sản hàng triệu trứng. Nếu không diệt bọ gậy để khi muỗi trưởng thành thì rất khó tiêu diệt. SXH hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị, vì vậy để phòng ngừa dịch bệnh này hoàn toàn phụ thuộc vào công tác truyền thông, công tác xã hội, hoạt động y tế dự phòng, cũng như việc điều trị là vấn đề sau đó. Để tránh bị muỗi đốt, truyền bệnh SXH, từng cá nhân, hộ gia đình cần phải ngủ màn (kể cả ban ngày); tích cực hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt trừ muỗi. Các gia đình khi phát hiện có người bị sốt cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành Y tế phải kiên quyết phòng, chống dịch, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm, đồng thời kiểm soát tình trạng lây nhiễm tại các bệnh viện. Cùng với đó, tổ chức truyền thông về phòng chống dịch bệnh SXH tại các cụm dân cư có ổ dịch hoặc nguy cơ bùng phát dịch dưới hình thức họp tổ dân phố hoặc họp trưởng các ban, ngành, đoàn thể; phát tờ rơi cùng với tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình, từng bước khống chế không để dịch bệnh lan rộng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.