Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh cảm cúm khi mang thai

18:13, 27/12/2016
Cảm cúm là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp do virus cúm gây ra. Bệnh này xảy ra thường xuyên trong năm nhưng phát triển mạnh vào mùa đông và xuân. Bệnh rất dễ lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, do tia nước bọt bắn ra khi nói chuyện, khi ho hoặc khi hắt hơi.

Triệu chứng đầu tiên của cúm là sốt, ngứa, đau rát họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, sung huyết mắt, cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, cũng có thể sốt cao trên 38oC. Những người dễ mắc bệnh cúm là người già, trẻ em và đặc biệt là phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai dễ nhiễm cúm là do cơ thể có nhiều thay đổi về nội tiết nên hệ thống miễn dịch bị suy giảm nhiều khiến sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật cũng yếu đi. Bệnh cảm cúm hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là giảm đau, hạ sốt, chống nghẹt mũi, chống dị ứng để giảm ho và giảm tiết chất nhầy, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Bệnh cũng sẽ nhanh khỏi trong vòng từ 4 đến 5 ngày, nhưng với phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm thì thời gian bị bệnh kéo dài hơn và cũng có thể nặng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: “Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cúm, vi khuẩn kèm theo sốt cao trên 38oC là dấu hiệu mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể gây nhiều biến chứng đáng lo ngại, như: suy tim, suy hô hấp và nhiễm khuẩn huyết; hoặc cũng có thể làm tăng khả năng sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên thai nhi, gây ra một số dị dạng, dị tật nhẹ, như: sứt môi, hở hàm ếch, thừa ngón tay, ngón chân hoặc bị bệnh down…”. 

Để cơ thể không mắc cúm, phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai ít nhất một tháng. Ngoài việc tiêm phòng vắc-xin, cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, thực đơn hằng ngày nên tăng cường ăn các loại rau, củ, quả có chứa nhiều vitamin C. Đặc biệt, trong chế độ ăn nên bổ sung tỏi và các chế phẩm từ tỏi vì chúng có tác dụng phòng ngừa cúm, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Uống nhiều nước cũng là một cách giúp cơ thể phòng bệnh cảm cúm. Theo các chuyên gia y tế, bị cúm mà uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, đặc biệt là nước ấm sẽ giúp giảm đáng kể triệu chứng nghẹt mũi, khó chịu.

Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi cầm nắm thức ăn, sau khi đi vệ sinh ngay cả khi không bị bệnh. Bên cạnh đó, việc súc miệng bằng nước muối thường xuyên có thể giúp ngăn chặn viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh. Bảo vệ niêm mạc đường hô hấp bằng cách khi đi ra đường cần phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người khi đã có dịch và tránh tiếp xúc với người đã mắc cúm.

Tuy nhiên, khi phụ nữ mang thai nhiễm cúm cũng không nên quá lo lắng ảnh hưởng đến thai nhi mà hãy chú trọng chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, nên theo dõi thai kỳ sát sao trong những lần siêu âm thai định kỳ hoặc tiến hành làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và luôn tuân thủ chỉ định của bác sĩ một cách nghiêm túc nhất. Nếu có các biểu hiện, như: sốt, ho, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh. Trường hợp nhiễm cúm, cần phai sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự dùng thuốc để tránh những tác động có hại của thuốc lên thai nhi.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.