Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc: Những cách làm hiệu quả

10:51, 31/12/2016

Chủ động xây dựng kế hoạch, sáng tạo trong triển khai thực hiện đã giúp các cấp công đoàn bước đầu xây dựng được môi trường làm việc không khói thuốc, góp phần đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống.

Ngay sau khi Công đoàn ngành Y tế phát động phong trào xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, anh La Văn Ba, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar đã, sưu tầm tìm hiểu sâu tác hại của thuốc lá đối với kinh tế, sức khỏe và những nội dung chính của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để biên soạn lại một cách ngắn gọn, dễ hiểu rồi tập huấn, truyền đạt cho đoàn viên trong các buổi họp, hội nghị. Bên cạnh đó, bản thân anh cũng “tiên phong” bỏ thuốc lá, vận động thêm 2 thành viên trong Ban chấp hành Công đoàn, các trưởng, phó khoa thực hiện giảm hút và bỏ thuốc lá trước để làm gương. Sau đó, Công đoàn tổ chức cho đoàn viên ký cam kết xây dựng “Bệnh viện không khói thuốc”, đưa vào nội dung thi đua hằng năm, phân công 9 tổ trưởng công đoàn chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, nhắc nhở theo từng khu vực. Nhờ vậy, từ 16 người hút thuốc năm 2011, đến nay Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar đã không còn ai hút thuốc và trở thành đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. “Để xây dựng thành công môi trường làm việc không khói thuốc thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong việc giảm và bỏ hẳn thuốc lá, thủ trưởng đơn vị và chủ tịch công đoàn cần chú trọng công tác chỉ đạo, đưa nội dung không hút thuốc lá nơi làm việc vào nội quy, quy định văn hóa công sở và quy chế nội bộ của cơ quan. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên CNVCLĐ cùng thực hiện”, anh Ba chia sẻ.

Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh là một trong những đơn vị điển hình của Công đoàn ngành Y tế trong xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc
Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh là một trong những đơn vị điển hình của Công đoàn ngành Y tế trong xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc

Có thâm niên trên 10 năm hút thuốc lá với số lượng hơn 1 gói/ngày nên dù đã nhiều lần cố gắng bỏ thuốc nhưng anh Đinh Huy Trình, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk vẫn chưa thành công. Năm 2012, Công đoàn Công ty phát động phong trào xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, anh Trình và các đoàn viên khác đã đồng tình hưởng ứng và ký cam kết cùng thực hiện. Được sự động viên của tổ chức công đoàn, gia đình, bạn bè và bản thân anh cũng tự nhận thấy những tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, kinh tế nên quyết tâm bỏ thuốc lá. Anh Trình cho biết: “Đến nay tôi đã bỏ thuốc lá được 3 năm, tình trạng sức khỏe ổn định hơn trước nhiều, cân nặng tăng từ 52 kg lên 62 kg. Thấy tôi bỏ được thuốc lá, vợ con, đồng nghiệp đều vui mừng”. Anh Trình là một trong số gần 8.000 đoàn viên của 173 công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Buôn Ma Thuột đã tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Anh Lê Văn Tập, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Để thực hiện phong trào này, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo công đoàn cơ sở lồng ghép tuyên truyền, quán triệt các văn bản, nội dung liên quan trong cuộc họp thường kỳ, hội nghị chuyên đề và đưa vào nghị quyết để triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đưa vào tiêu chí xét cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, xanh - sạch - đẹp… Nhờ vậy, phong trào đã ngày càng lan tỏa, nhiều đoàn viên đã giảm hút và bỏ hẳn thuốc lá.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, việc thực thi luật này gặp rất nhiều khó khăn bởi công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá chưa đủ mạnh, nhận thức về tác hại của thuốc lá chưa đầy đủ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức và nghiêm túc trong triển khai thực hiện. Thêm vào đó, việc kiểm tra, thanh tra hoặc áp dụng chế tài xử phạt của các cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm luật chưa thường xuyên, thậm chí chưa thực hiện; đồng nghiệp và mọi người chưa mạnh dạn lên tiếng, còn thờ ơ, chấp nhận và cảm thông. Do vậy, để triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, cùng với việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức thống kê số CNVCLĐ có hút thuốc tại các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động CNVCLĐ giảm và bỏ hẳn thuốc lá; phối hợp với thủ trưởng đơn vị gắn việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với thực hiện quy chế văn hóa công sở, phong trào xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động và xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và tài liệu tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá trên Bản tin Công đoàn; tổ chức ký cam kết tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây môi trường làm việc không khói thuốc với 100% công đoàn cấp trên cơ sở. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh có 1.592/1.727 công đoàn cơ sở triển khai hiệu quả phong trào này.

Bà Võ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Phong trào xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc đã đem lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê chưa đầy đủ của các cấp công đoàn, qua 3 năm triển khai, đã có 1.620 người giảm hút thuốc lá, 2.473 người bỏ hẳn hút thuốc. Với kết quả đó, LĐLĐ tỉnh đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2013-2015) về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong CNVCLĐ”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.