Multimedia Đọc Báo in

Bệnh lao vẫn gây tử vong cao trên toàn cầu

18:23, 22/03/2016

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống lao trong thời gian qua, nhưng bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu.

Năm 2014, ước tính toàn cầu có khoảng 9,6 triệu người mắc lao, 13% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ. Chính số tử vong này làm cho bệnh lao trở thành một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Trong khi đó, tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Riêng năm 2013, trên toàn cầu ước tính tỉ lệ mắc lao kháng đa thuốc là 3,5% trong số bệnh nhân mới và 20,5% trong số bệnh nhân điều trị lại.

Một trường hợp mắc lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.
Một trường hợp mắc lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ lao mới mắc giảm khoảng 2,6% hằng năm và tỉ lệ tử vong giảm khoảng 4,4% hằng năm, nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hiện nay, mỗi ngày ở nước ta có khoảng 46 người chết do lao. Tính riêng trong năm 2015, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện là gần 103.000 người, trong đó có hơn 50.000 bệnh nhân lao phổi. Khu vực miền Nam có tỉ lệ người mắc lao phổi cao nhất cả nước. So với năm 2014, số bệnh nhân lao phổi dương tính mới phát hiện trên cả nước trong năm 2015 tăng 155 người.

Thời gian qua, Việt Nam được  WHO hỗ trợ làm mô hình điểm trong triển khai nghiên cứu kết thúc bệnh lao trong giai đoạn mới. Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia đã thành lập Trung tâm VICTORY nhằm xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi. Từ đó, sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành tại các tuyến y tế trên cả nước. Đồng thời, chiến lược phòng chống lao cũng vẫn tiếp tục được duy trì tại 100% số quận, huyện và phường, xã. Tuy nhiên, các đối tượng nghi lao kháng đa thuốc vẫn chưa được tầm soát hết, tỉ lệ người được xét nghiệm trong số nghi kháng đa thuốc còn hạn chế tại địa phương.

Kim Oanh (nguồn chinhphu.vn)
 


Ý kiến bạn đọc