Multimedia Đọc Báo in

Hiệu ứng tích cực trong những ngày đầu thực hiện tăng giá dịch vụ y tế

17:33, 16/03/2016

Kể từ ngày 1-3-2016, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng “tính đúng, tính đủ” bắt đầu được áp dụng thực hiện trên cả nước. Gần 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá với mức tăng trung bình khoảng 30%-40% so với giá cũ do được cộng bổ sung thêm chi phí phụ cấp tiền trực và phẫu thuật, thủ thuật.

Ghi nhận tại các cơ sở y tế trên địa bàn trong những ngày qua cho thấy, việc điều chỉnh giá lần này đã tạo được hiệu ứng tích cực khi cả người bệnh và cơ sở y tế đều đặt nhiều kỳ vọng. 

Có mặt tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người dân đến khám chữa bệnh đã nắm được sự điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này nên không mấy bất ngờ. Các hoạt động của bệnh viện vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ý kiến của khá đông người bệnh đều tập trung vào việc tăng giá có thực sự tăng chất lượng như mục tiêu mà Bộ Y tế đặt ra trong lần điều chỉnh giá này. Bệnh nhân Ngô Trí Hạnh, 59 tuổi, ở khối 10, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Qua theo dõi thông tin trên báo, đài tôi cũng đã biết được việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế được thực hiện từ 1-3. Song, điều mà tôi cũng như nhiều người quan tâm đó là tăng viện phí thì chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện có tăng theo hay không. Người bệnh chúng tôi sẵn sàng chịu tốn kém, chi phí nhiều hơn nhưng bù lại khi tới bệnh viện phải nhận được dịch vụ tốt hơn, đó mới là cốt lõi của vấn đề...”. Còn bệnh nhân Trần Quang Minh, 54 tuổi, ở thôn 5, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar lại cho rằng: "Tôi bị suy thận, phải khám định kỳ hằng tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là lần tái khám đầu tiên kể từ khi tăng giá dịch vụ y tế. Theo quan sát của tôi thì bệnh viện có sạch sẽ, quang đãng hơn, bệnh nhân phải chờ ít hơn so với trước. Còn các vấn đề khác thì cũng chưa có thay đổi nào đáng kể. Khi tăng giá dịch vụ y tế, người bệnh chúng tôi chỉ mong muốn đội ngũ  bác sĩ tiếp tục nâng cao trình độ, thái độ phục vụ, trang thiết bị y tế tại bệnh viện phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn”.

Cũng như ông Hạnh, ông Minh, khi được hỏi, nhiều người bệnh đều bày tỏ quan điểm đồng tình với việc tăng giá nhưng kèm theo đó là mong muốn các bệnh viện rút gọn thủ tục hành chính hơn nữa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế, tạo sự thoải mái, thuận tiện cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.

Khám bệnh cho người dân tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khám bệnh cho người dân tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phải nói rằng, việc tăng giá gần 1.900 dịch vụ y tế lần này không chỉ nhận được sự đồng tình của người bệnh mà còn tạo ra “luồng gió mới” đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Bởi, khi tăng giá dịch vụ, các bệnh viện sẽ có nguồn ngân sách để đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sâu hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi phong cách phục vụ. Hay nói cách khác, tăng giá dịch vụ y tế sẽ tác động lên tất cả các mặt, tất cả đều phải điều chỉnh để mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng hoạt động y tế, hướng tới sự hài lòng cho người bệnh. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng: “Việc điều chỉnh viện phí tiến tới thu đúng, thu đủ là cuộc cách mạng đối với các bệnh viện công, như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên bệnh viện cũng như có lợi cho người bệnh. Bởi, tiến tới thu đúng, thu đủ thì người nghèo sẽ được hưởng chính sách giống như người có điều kiện. Tất nhiên bên cạnh đó cũng sẽ ảnh hưởng tới một số trường hợp là đối tượng BHYT đồng chi trả vì số tiền họ phải bỏ ra tăng lên so với thời điểm chưa thực hiện tăng giá. Theo tôi, mức đóng thêm dù có tăng lên nhưng chất lượng tốt hơn thì cũng dễ dàng chấp nhận”. Bác sĩ Phong minh chứng bằng các hoạt động Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai để nâng cao chất lượng, trong đó đáng chú ý nhất là việc ứng dụng các kỹ thuật mới, khó vào khám chữa bệnh giúp người bệnh được điều trị ngay tại địa phương, không phải chuyển tuyến, tiết kiệm được chi phí trong quá trình điều trị. Cụ thể là bệnh viện đã và đang triển khai lắp đặt trang thiết bị, cải tạo phòng mổ để có thể thực hiện phẫu thuật tim hở vào cuối năm 2016; đồng thời làm tờ trình thành lập khoa Cấp cứu tim mạch, tiến tới thành lập Trung tâm tim mạch trong tương lai...

Trên thực tế, khi triển khai thực hiện việc tăng giá, hầu hết các cơ sở đều gặp phải những khó khăn trong quá trình thanh toán viện phí của người bệnh. Như chia sẻ của bác sĩ Bùi Trường Phong thì: “Chính sách này thực hiện song hành giữa cơ chế thu mới đối với bệnh nhân BHYT nhưng bệnh nhân thu phí (bệnh nhân không có BHYT) thì vẫn thực hiện cơ chế cũ. Vô hình trung tăng thêm một chương trình cho máy và khối lượng công việc của nhân viên cũng tăng lên cho nên thời gian đầu sẽ xảy ra tình trạng chậm trễ. Đặc biệt khi mà hệ thống máy, mạng của bệnh viện được đầu tư từ năm 2001 với mức độ 500 giường bệnh, bây giờ phải điều trị 1.500 giường bệnh lại song hành 2 hệ thống  nên chồng chéo, nhầm lẫn trong những ngày đầu là khó tránh khỏi. Những điều này làm chúng tôi rất trăn trở, nhưng xác định rõ mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nên dù có khó khăn cũng sẽ bố trí nhân lực thực hiện cho tốt”.

Kim Oanh  


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.