Multimedia Đọc Báo in

Mùa khô, không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

17:31, 16/03/2016
Mặc dù đang là mùa khô song bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Vì vậy, không nên chủ quan với căn bệnh này…

Vừa điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết cách đây gần một tháng song dường như chị Hoàng Thị Bích Diệu (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) vẫn chưa quan tâm đến việc vệ sinh môi trường sống xung quanh mình. Chậu cây cảnh trước cửa nhà chị đen nghịt loăng quăng, bọ gậy và dù giữa trưa nhưng trong nhà vẫn phải dùng vợt điện diệt muỗi. Còn chị Lê Thị Cúc (phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) đang lo lắng vì đứa con mới nhập viện tại khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa thành phố) hai ngày nay với chẩn đoán sốt xuất huyết. Trước đó, khi con có biểu hiện sốt, mệt mỏi, nôn ói nhiều, chị đã đưa con đi khám ở phòng mạch tư và tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Chị Cúc không biết nguyên nhân gây bệnh, chỉ khi thấy con quá mệt mỏi mới đưa đi nhập viện.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến ngày 7-3, toàn tỉnh đã có 319 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố; các ca bệnh tập trung chủ yếu tại TP.Buôn Ma Thuột (95 ca) và huyện Buôn Đôn (80 ca). Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, chưa năm nào mà số bệnh nhân sốt xuất huyết lại gia tăng nhanh chóng ngay trong 3 tháng đầu năm như năm nay. Điều này cho thấy bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự chủ quan, thiếu kiến thức của cộng đồng. Cũng theo bác sĩ Lào, xưa nay nhiều người vẫn lầm tưởng sốt xuất huyết chỉ bùng phát trong mùa mưa, tuy nhiên hiện nay, vào mùa khô, việc trữ nước sinh hoạt của người dân là môi trường thuận lợi để muỗi vằn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Do đó, nếu người dân không ý thức điều này để diệt muỗi, vệ sinh môi trường thì bệnh sốt xuất huyết sẽ khó mà thuyên giảm.

Để phòng bệnh, mỗi người, hộ gia đình nên chủ động thực hiện các biện pháp sau:

- Ngủ màn kể cả ban ngày lẫn ban đêm

- Tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, dùng nhang, vợt điện diệt muỗi…

- Thường xuyên dọn vệ sinh những vật dụng chứa nước trong và xung quanh nhà như lọ hoa, chậu cây cảnh, vật phế thải…

- Đậy kín những dụng cụ chứa nước sinh hoạt không cho muỗi có thể đẻ trứng

- Thả cá vào chum, vại, bể nước dùng lâu ngày

- Nếu có các triệu chứng như sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, đau đầu, nhức mỏi chân tay thì phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý mua thuốc tự điều trị tại nhà.

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc