Tỏa sáng những tấm gương y đức
Dù mỗi người một công việc, một cách làm khác nhau, song những người thầy thuốc ấy đều gặp nhau ở một chữ “tâm” với nghề, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngày ngày, họ vẫn thầm lặng tỏa sáng cả trong công việc và cuộc sống đời thường…
“Cứu người là hạnh phúc của thầy thuốc”
Gắn bó với khoa Hồi sức tích cực – chống độc, nơi mà nhiều người gọi bằng cái tên “Khoa tử thần”, thường xuyên phải làm việc trong môi trường đòi hỏi sự tập trung cao độ về chuyên môn, tinh thần phục vụ, nhưng với thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì đó lại là niềm vinh dự, bởi với anh “cứu người là hạnh phúc của thầy thuốc”.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt trao đổi chuyên môn với các y bác sĩ của khoa. |
Với vai trò quản lý khoa, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt luôn nỗ lực cùng với các cộng sự của mình làm tốt công tác phối hợp, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Ngoài việc tích cực học tập, nâng cao trình độ cho bản thân, anh còn tạo điều kiện thuận lợi để các đồng nghiệp trong khoa được tiếp cận với những kiến thức chuyên ngành thông qua nhiều hình thức như cử đi đào tạo ở các nơi, tham gia tập huấn hay các khóa học dài hạn. Vì thế, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các y, bác sĩ trong khoa luôn được nâng cao. Đến nay khoa đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, khó, mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân như: kỹ thuật đặt sond Blakemore cầm máu trong chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản; nuôi ăn qua dạ dày bằng nhỏ giọt liên tục đề phòng tai biến, chạy thận nhân tạo, thực hiện khí máu động mạch xâm lấn, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm 2 nòng, sử dụng tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim… Từ đó đã cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch, hiểm nghèo. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn T., bị sốt rét ác tính suy đa phủ tạng. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt đã cùng với các đồng nghiệp của khoa thực hiện điều trị Hồi sức nội khoa liên tục: thông khí nhân tạo, điều trị thuốc kháng sốt rét, cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, điều trị triệu chứng, dinh dưỡng phối hợp đường tĩnh mạch với qua sone dạ dày. Sau 15 ngày điều trị bệnh chính và các biến chứng, bệnh nhân hồi phục sức khỏe hoàn toàn và xuất viện.
Tất bật với công tác quản lý là thế, nhưng khi thực hiện khám và điều trị, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt rất tận tâm với người bệnh, luôn tạo sự tin tưởng cho người bệnh và người thân yên tâm điều trị. Anh chia sẻ: “ Ở khoa chúng tôi, áp lực từ tiếng báo động của các loại máy móc lúc nào cũng dồn dập, thân nhân đi kèm người bệnh thường ở trạng thái căng thẳng, nên ngoài việc tích cực điều trị cho người bệnh, các y bác sĩ còn thường xuyên lắng nghe tâm tư, chia sẻ với khó khăn của gia đình người bệnh để cùng nhau thực hiện những việc tốt nhất cho bệnh nhân. Chúng tôi làm việc tất cả bằng chữ tâm, chữ tình của người thầy thuốc, mỗi khi thấy người bệnh vui cười với gia đình, là niềm vui của người thầy thuốc được nhân đôi, nhân ba…”
Tự khẳng định mình bằng những công việc cụ thể, ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt còn say sưa tham gia nghiên cứu khoa học. Anh đã có những công trình được nghiệm thu như: Một số đặc điểm ngộ độc cấp hóa chất bảo vệ thực vật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk; Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân suy thận cấp do sốc nhiễm khuẩn tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk; Đánh giá kết quả điều trị suy hô hấp cấp bằng phương pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk… Không những thế, anh còn trực tiếp là giảng viên dạy lớp cấp cứu cho các bác sĩ tuyến tỉnh ở duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; đào tạo và đào tạo lại về cấp cứu sản khoa cho các bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu, cấp cứu ban đầu, khoa sản ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn và tham gia giảng dạy lâm sàng cho sinh viên, hướng dẫn các y, bác sỹ trẻ trong khoa về thực hành các kỹ thuật chuyên môn.
Quả thực, khó có thể nói hết cái tâm, cái tình với nghề của thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, chỉ biết rằng mỗi khi đến bệnh viện, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là anh quên hết mọi việc riêng tư.
“Đi để thôi thúc mình cống hiến nhiều hơn”
Cũng với tâm huyết “tất cả vì người bệnh”, những năm qua bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trực, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không chỉ trau dồi về y đức mà còn thường xuyên cập nhật kiến thức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác khám chữa bệnh.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trực kiểm tra vết thương cho bệnh nhân điều trị tại khoa. |
Sau khi hoàn thành khóa học chuyên khoa sơ bộ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), bác sĩ trẻ Nguyễn Minh Trực về nhận công tác tại khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những ngày đầu mới nhận công tác, anh gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ, song được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Giám đốc, các đồng nghiệp, nên đã nhanh chóng bắt kịp với nhịp độ công việc. Luôn tâm niệm “được góp sức vào công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật là một vinh dự lớn lao”, bác sĩ Trực luôn nỗ lực hết mình với trách nhiệm của một người thầy thuốc. Để đáp ứng với đặc thù công việc thường xuyên đòi hỏi chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời, năm 2007 anh theo học lớp chuyên khoa cấp I tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục học chuyên khoa cấp II để được tiếp cận với những kỹ thuật chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình. Sau khi tốt nghiệp trở về, anh đã mạnh dạn cùng các đồng nghiệp triển khai nhiều kỹ thuật mới và khó ngay tại bệnh viện như: phậu thuật thay khớp gối, khớp háng nhân tạo, mổ nội soi tái tạo dây chằng vùng gối… Việc thực hiện được các kỹ thuật này ngay tại địa phương đã khẳng định sự tiến bộ về chuyên môn của bệnh viện, được bệnh nhân đánh giá cao, mặt khác còn giúp cấp cứu kịp thời những ca bệnh nặng, giảm chi phí cho người bệnh khi không phải chuyển tuyến trên. Chỉ nhìn vào con số thống kê của năm 2015 với hơn 100 trường hợp thay khớp háng, gần 200 trường hợp tái tạo dây chằng và gần 20 trường hợp thay khớp gối được phẫu thuật ngay tại bệnh viện đã thấy được hiệu quả thiết thực của việc ứng dụng kỹ thuật mới, khó vào phục vụ người bệnh mà anh và các đồng nghiệp đã nỗ lực thực hiện. Cũng bởi ý thức cao trong công việc, nhanh nhẹn trong xử lý những thủ thuật khó, tình huống phức tạp, bác sĩ Trực luôn là một trong những nhân tố quan trọng của khoa trong khâu tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên. Chia sẻ về sự phát triển của khoa anh cho biết: “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng chúng tôi luôn cố gắng điều trị cho người bệnh bằng những phương pháp hiệu quả nhất. Trong năm 2016, khoa sẽ triển khai thêm một số kỹ thuật mới, trong đó điển hình là phẫu thuật nội soi khớp vai. Đây là kỹ thuật mà đến thời điểm này chưa có bệnh viện tuyến tỉnh nào ở khu vực Tây Nguyên triển khai được”.
Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trực còn là một người rất hòa đồng với đồng nghiệp và niềm nở với bệnh nhân. Với cương vị Phó trưởng khoa, anh luôn nêu gương cho đội ngũ y bác sĩ trẻ trong việc rèn luyện y đức, thường xuyên nhắc nhở họ giữ gìn thái độ ứng xử, giao tiếp, tránh gây phiền hà đối với người bệnh, tạo niềm tin đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đến với khoa nói riêng và bệnh viện nói chung. Đồng thời, anh còn là một người thầy sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, chỉ dạy tận tình cho các y, bác sĩ trẻ trong khoa, bởi anh quan niệm: “người đi trước phải hướng dẫn người đi sau để kế thừa và cùng phát triển”. Và dù rất bận rộn với công tác ở khoa nhưng bác sĩ Nguyễn Minh Trực vẫn thường xuyên giành thời gian cùng đồng nghiệp đi đến những vùng sâu, vùng khó khăn trong tỉnh, ngoài tỉnh, thậm chí là sang tận nước bạn Cam-pu-chia để khám chữa bệnh phát thuốc thiện nguyện cho người dân. Anh bảo: “Có đi mới thấy được hết những khó khăn, thiếu thốn của người dân, từ đó thôi thúc mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn”.
Có lẽ, sự nỗ lực của anh và đồng nghiệp trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề Y đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình gia đình, và cho chính các anh – những y bác sĩ giàu lòng nhiệt huyết, tận tâm, tận lực với nghề.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc