Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân: Mô hình cần được nhân rộng
Cũng như nhiều bạn trẻ khác, trước đây Nguyễn Thùy Trang (phường Ea Tam) rất ngại ngùng và xấu hổ khi nói đến chủ đề sức khỏe sinh sản, những kiến thức của em về chủ đề này cũng không nhiều. Tuy nhiên, từ khi tham gia Câu lạc bộ Tiền hôn nhân ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), Trang hiểu rõ hơn về bản thân, những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tự tin hơn khi giao tiếp với bạn bè, nhất là những bạn khác giới. Tương tự, chàng trai trẻ Trần Tuấn Anh (phường Ea Tam) cũng cho biết, nhờ tham gia Câu lạc bộ Tiền hôn nhân nên cậu đã biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì lối sống lành mạnh, có hành vi đúng mực trong mối quan hệ tình bạn, tình yêu.
Tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên ở Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. |
Câu lạc bộ Tiền hôn nhân ở phường Ea Tam hiện có 30 thành viên tham gia. Hoạt động của Câu lạc bộ thường xuyên có sự phối hợp giữa Ban Dân số-KHHGĐ với Đoàn Thanh niên phường, nhờ vậy đoàn viên, thanh niên dễ dàng tiếp cận hơn về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Nội dung tuyên truyền rất phong phú, không chỉ nói – nghe đơn thuần mà Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ khéo léo lồng ghép bằng nhiều hình thức sinh động thông qua các trò chơi, đố vui, tiểu phẩm... tạo hứng khởi cho các bạn thanh thiếu niên tham gia. Chị Huỳnh Thị Kim Cương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiền hôn nhân phường Ea Tam cho biết về lý do thành lập mô hình: Hiện nay, còn nhiều bạn trẻ chưa quan tâm đến tình trạng sức khỏe của mình trước khi kết hôn, một số có tư tưởng “sống thử” dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai… gây tổn hại lớn về tinh thần và ảnh hưởng đến nghề nghiệp, tương lai. Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản và làm hành trang cho các bạn bước vào đời.
Không chỉ ở phường Ea Tam, mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân còn được triển khai ở 5 xã, phường khác của TP. Buôn Ma Thuột (gồm Tân An, Tân Lợi, Tân Tiến, Hòa Phú và Ea Tu). Đến nay, toàn thành phố đã có 12 Câu lạc bộ Tiền hôn nhân được thành lập, với sự tham gia của 420 thành viên là vị thành niên-thanh niên, đối tượng chưa kết hôn. Các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ có thành phần gồm Bí thư Đoàn thanh niên và cán bộ dân số. Trong các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm thường cấp phát các tài liệu: sách, báo, tranh ảnh, tờ rơi, phương tiện tránh thai…; lồng ghép truyền thông về Luật hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn, đối thoại trực tiếp về giới tính, tình bạn và tình yêu, những biến đổi về tâm lý, sinh lý ở tuổi dậy thì; cách phòng tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, tránh mang thai ngoài ý muốn cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS… Qua đó, giúp các bạn trẻ, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên ở vùng khó khăn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong tình bạn, tình yêu, hôn nhân và chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.
Trung tâm Dân số-KHHGĐ và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố còn phối hợp tổ chức được 2 đợt khám sức khỏe tiền hôn nhân ở xã Ea Tu và Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, thu hút 500 đối tượng tham gia, giúp họ hiểu biết được tình trạng sức khỏe của bản thân, chuẩn bị hành trang tốt nhất trước khi kết hôn.
Có thể nói, mặc dù mới được triển khai ở 6 xã trong vòng 3 năm, nhưng mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân ở TP. Buôn Ma Thuột đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức và kỹ năng sống cho nhiều bạn trẻ. Mô hình này cần tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động và nhân rộng ở các địa phương khác nhằm nâng cao ý thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.
Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc