Multimedia Đọc Báo in

Diệt lăng quăng, loại trừ muỗi là biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả

09:20, 17/09/2016

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh hiện đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao gấp khoảng 15 lần so với cùng kỳ năm 2015 và bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố. Trước tình hình này, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CKII DOÃN HỮU LONG, Giám đốc Sở Y tế về các biện pháp can thiệp của ngành đối với công tác phòng chống SXH.

* Thưa ông, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến như thế nào?

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh có thể gây thành dịch lớn và có tỷ lệ tử vong tương đối cao. Hiện nay, tại khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, bệnh SXH diễn biến khá phức tạp. Tại Đắk Lắk, tính đến thời điểm này (ngày 9-9) ghi nhận trên 7.900 trường hợp mắc bệnh. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố hiện đều có người mắc SXH, trong đó TP. Buôn Ma Thuột có số ca bệnh cao nhất với trên 2.600 trường hợp. Kế đến là các huyện Ea H’leo (trên 1.600 ca) và Buôn Đôn (trên 750 ca).

* Có thể thấy, bệnh SXH đang bùng phát mạnh ở địa phương và chưa có dấu hiệu giảm. Vậy ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Số ca mắc SXH năm nay tăng một mặt là do bệnh này thường hoạt động theo chu kỳ từ 3-5 năm và năm nay là năm chu kỳ của dịch. Cùng với đó, năm 2016, hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường, cộng với hạn hán kéo dài trên diện rộng nên nhiều hộ dân tăng số lượng dụng cụ trữ nước, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng phát sinh trên diện rộng. Ngoài những nguyên nhân này, việc bệnh SXH tăng cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn do ý thức tham gia phòng chống bệnh của người dân. Tại nhiều địa phương, nhận thức của người dân về phòng chống SXH chưa cao, mà khi nhận thức chưa cao thì việc chuyển từ nhận thức sang hành động sẽ có những hạn chế nhất định. Qua khảo sát của chúng tôi ở một số địa phương mới đây thấy rằng, dụng cụ chứa nước có lăng quăng (bọ gậy) ở các hộ dân còn cao. Khi chính quyền và ngành Y tế phát động, vận động và tổ chức diệt lăng quăng thì sự tham gia của người dân ở những nơi này chưa thật sự tích cực. Sau khi tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất xong, chỉ số lăng quăng vẫn còn rất cao và đây là nguyên nhân chính khiến SXH tại các địa phương này không giảm.

Ông Doãn Hữu Long (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra chỉ số lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước tại các hộ dân ở tổ dân phố 9, thị trấn M’Đrắk (huyện M’Đrắk).  Ảnh: K.O
Ông Doãn Hữu Long (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra chỉ số lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước tại các hộ dân ở tổ dân phố 9, thị trấn M’Đrắk (huyện M’Đrắk). 

* Để đối phó với dịch bệnh SXH, khống chế dịch không lây lan rộng, trong thời gian tới ngành Y tế sẽ tăng cường những hoạt động gì, thưa ông?

Vừa qua, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống SXH trong những tháng cuối năm, trong đó sẽ kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo từng tuyến và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo UBND các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH; huy động các sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng chống SXH; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống SXH bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân, từ chỗ nhận thức được sẽ biến thành hành động cụ thể, chủ động tham gia vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi. Song song với đó, ngành Y tế cũng sẽ củng cố hệ thống cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát hiện sớm và điều trị bệnh SXH cho người dân. Đồng thời chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng tăng cường giám sát các ổ dịch để có thông tin kịp thời giúp cho cơ quan chính quyền triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

* Ông có thể cho biết mức độ nguy hiểm và khuyến cáo của ngành Y tế đối với tình hình SXH hiện nay? 

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây dịch. Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này là hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh SXH dễ lây lan gây nên dịch và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để phòng chống SXH thì biện pháp bền vững nhất là làm sao để không có muỗi truyền bệnh hoặc nếu có thì mật độ muỗi phải ở mức rất thấp, không có khả năng truyền bệnh, lây lan ra cộng đồng. Muốn làm được điều này, không gì khác hơn là phải thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng ở từng hộ dân, cơ quan, đơn vị và những nơi công cộng theo phương châm “Không có lăng quăng, không có SXH”. Mỗi hộ gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, hoặc thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn tiêu diệt lăng quăng; thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu, phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Đặc biệt, khi bị sốt không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.