Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những điều dưỡng ngoại khoa

09:33, 19/11/2016

Dù công việc khá bận rộn, vất vả, nhưng với lòng yêu nghề, những nữ điều dưỡng khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) vẫn luôn nỗ lực vượt qua để mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân.

Khi biết tôi có ý định “mục sở thị” công việc hằng ngày của những điều dưỡng khoa Ngoại, một cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh nói vui: “Điều dưỡng là một trong những công việc “tàn phá nhan sắc” của phụ nữ nhanh nhất, bởi ngoài áp lực “luôn chân, luôn tay” với công việc, còn có những ca trực thâu đêm suốt sáng”. Vậy mà ở khoa Ngoại, cả 34 điều dưỡng đều là nữ. Sau một ca trực đêm, buổi sáng ánh mắt của nhiều chị khó tránh khỏi sự mệt mỏi, song họ vẫn tươi cười mỗi khi tiếp xúc với người bệnh. Bởi như lời chị Ngô Thị Ngọc Linh, điều dưỡng trưởng của khoa thì điều dưỡng là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất trong thời gian họ điều trị tại bệnh viện. Vui vẻ, thân thiện sẽ giúp cho tinh thần của người bệnh phấn chấn, lạc quan hơn, từ đó quá trình điều trị cũng hiệu quả hơn.

Điều dưỡng khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Điều dưỡng khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Một ngày của các điều dưỡng khoa Ngoại bắt đầu bằng việc sắp xếp lịch theo dõi bệnh nhân của cả khoa và sau đó là chuỗi công việc đã được “lập trình” sẵn: họp giao ban, cùng bác sĩ khám bệnh buổi sáng; chuẩn bị phương tiện, thuốc, chăm sóc bệnh nhân; ghi chép hồ sơ, nhập thuốc… Riêng chỉ công việc “chăm sóc bệnh nhân” nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi tận mắt chứng kiến mới thấy đó là công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, chỉn chu, tỉ mỉ, từ việc đón tiếp bệnh nhân, vệ sinh cho người bệnh trước khi lên bàn mổ, cho đến chăm sóc bệnh nhân sát sao sau mổ, túc trực theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời thông báo cho bác sĩ; trong trường hợp bệnh nhân có biến đổi bất thường, các chị phải xử trí, sơ cứu đầu tiên để người bệnh không rơi vào tình trạng nguy kịch…

Để nâng cao hiệu quả của công tác điều trị, làm hài lòng người bệnh, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh là một trong 2 đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh (cùng với khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) ứng dụng thực hiện Mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện. Điều dưỡng trưởng Ngô Thị Ngọc Linh cho biết: “Lợi thế của mô hình này là mỗi người bệnh vào khoa sẽ được một đội gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 hộ lý chăm sóc toàn diện về chăm sóc y tế (chữa bệnh); thể chất (ăn mặc, ở, vệ sinh); tinh thần (phong cách giao tiếp, thời gian tiếp xúc người bệnh). Vào đầu giờ thăm bệnh buổi sáng, đội sẽ trực tiếp đến các giường bệnh được phân công quản lý để nghe điều dưỡng báo cáo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, hoạt động chăm sóc người bệnh; bác sĩ kiểm tra lại sức khỏe người bệnh. Sau đó, cùng bệnh nhân và thân nhân người bệnh thảo luận, kiểm điểm tình hình chăm sóc, điều trị cho người bệnh của các thành viên trong đội; đồng thời phân công cụ thể công việc của các thành viên”. Có thể nói, thực hiện mô hình này, bệnh tình của người bệnh cũng như hoạt động chăm sóc bệnh nhân được giám sát tốt hơn. Còn về phía người nhà bệnh nhân, với sự chỉ dẫn, giúp đỡ của nhân viên y tế, họ sẽ tích lũy được kiến thức chăm sóc người bệnh để khi bệnh nhân về nhà, họ tiếp tục chăm sóc, giúp bệnh nhân mau phục hồi sức khỏe hơn.

Cùng với mô hình chăm sóc toàn diện người bệnh, các điều dưỡng khoa Ngoại còn mạnh dạn xây dựng tủ thuốc 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) nhằm tạo ra một môi trường làm việc gọn gàng, sạch sẽ, an toàn cho sức khỏe người bệnh. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, điều dưỡng viên của khoa chia sẻ: “Thực hiện từ tháng 7-2015 đến nay, tủ thuốc 5S không chỉ giúp mang đến những đổi thay về mặt thẩm mỹ, mà còn giúp điều dưỡng tránh được những sai sót, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và mức độ an toàn cho người bệnh”.

Quả thực, sự nỗ lực của các điều dưỡng, sẵn sàng áp dụng những kỹ thuật mới vào hoạt động chuyên môn đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người bệnh ở khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.