Multimedia Đọc Báo in

Chung sức chăm lo sức khỏe cho người dân vùng biên

08:59, 30/12/2016

Có mặt tại Phòng khám quân dân y kết hợp xã Ia R’vê (thuộc Đồn Biên phòng Ia R’vê) vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều bà con được Đại úy, y sĩ Đỗ Văn Diện ân cần khám bệnh, hướng dẫn cách uống thuốc đúng giờ để trị bệnh hiệu quả và các biện pháp phòng bệnh. Mỗi khi khám xong, anh luôn dặn dò người bệnh bất cứ khi nào cần được tư vấn về sức khỏe hãy đến trạm hoặc liên lạc qua điện thoại anh sẽ hỗ trợ kịp thời.

Cầm trên tay gói thuốc chữa bệnh do phòng khám cấp miễn phí, chị Cao Thị Dậu, người dân thôn 5 (xã Ia R’vê) xúc động: “Cả hai vợ chồng tôi đều mắc bệnh thần kinh tọa, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để đi đến bệnh viện chữa trị. Từ khi Phòng khám quân dân y kết hợp được thành lập, vợ chồng tôi thường xuyên đến khám ở đây. Lần nào đến các anh cũng khám bệnh rất tận tình, rồi còn cấp thuốc điều trị nữa”. Còn ông Vy Văn Ngút, cũng là người dân thôn 5 chia sẻ: “Có phòng khám, người dân chúng tôi rất phấn khởi, dù bệnh nhẹ hay đêm hôm, nếu chúng tôi cần giúp đỡ, cán bộ quân y của phòng khám sẽ đến ngay”.

Thượng tá, bác sĩ Âu Chiến Thắng, Chủ nhiệm Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh khám bệnh cho người dân xã Ia R’vê tại Phòng khám quân dân y kết hợp.
Thượng tá, bác sĩ Âu Chiến Thắng, Chủ nhiệm Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh khám bệnh cho người dân xã Ia R’vê tại Phòng khám quân dân y kết hợp.

Cùng với việc tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc, các chiến sĩ quân y của Phòng khám quân dân y kết hợp xã Ia R’vê còn thường xuyên xuống từng nhà dân để khám bệnh, tuyên truyền hướng dẫn bà con cách vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Đại úy Đỗ Văn Diện, cán bộ phụ trách của Phòng khám cho biết: “Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn nên công việc của chúng tôi vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của quân y đối với dân. Chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe họ chia sẻ và sẵn sàng có mặt khi họ cần mỗi lúc ốm đau, bệnh tật chẳng kể xa xôi, hay khuya khoắt. Với những bệnh đơn giản, chúng tôi can thiệp chẩn đoán, điều trị, những bệnh nặng hơn thì sơ cứu rồi nhanh chóng chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Bên cạnh đó, mỗi lúc xuống với người dân, chúng tôi đều cố gắng tuyên truyền, hướng dẫn bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sinh hoạt ăn chín, uống sôi, ngủ màn để phòng bệnh”.

 
Trung bình mỗi năm, Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh đã khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 1.800 lượt người ở các xã biên giới với tổng cơ số thuốc trị giá trên 100 triệu đồng. Nhờ sự nhiệt tình của đội ngũ quân y, sức khỏe của người dân vùng biên được cải thiện và nâng cao
 
Thượng tá Âu Chiến ThắngChủ nhiệm Quân y, Bộ đội Biên phòng tỉnh

Nhờ sự tận tâm của các chiến sĩ quân y mà ý thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của người dân trên địa bàn xã, nhất là người dân thôn 5 - thôn xa nhất của xã Ia R’vê đã có sự chuyển biến tích cực. Chị Nguyễn Thị Hoa Trơn, người dân thôn 5 xúc động: “Gia đình tôi là dân kinh tế mới từ Bến Tre lên đây lập nghiệp, cuộc sống còn rất khó khăn, ít chú ý đến chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2013, Phòng khám quân dân y kết hợp xây dựng trên địa bàn, gia đình tôi cũng như bà con trong vùng không còn phải vượt 7-8 cây số để ra trạm y tế xã mà đều tìm đến đây để khám chữa bệnh. Qua hướng dẫn của các cán bộ quân y, bà con chúng tôi đã nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm”.

Có thể thấy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Phòng khám quân dân y kết hợp xã Ia R’vê đã trở thành điểm tựa của người dân vùng biên, góp phần củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở ở tuyến biên giới của Tổ quốc. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia R’vê nhận xét: “Từ khi có Phòng khám quân dân y kết hợp, cán bộ quân y đã phối hợp rất tốt với địa phương trong việc tham gia khám chữa bệnh, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Qua đó đã góp phần hạn chế thấp nhất các loại dịch bệnh thường xảy ra và giúp người dân trên địa bàn xã, nhất là các thôn cách xa trung tâm được tiếp cận với dịch vụ y tế thuận lợi hơn”. 

 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.