Một bộ phận người dân chưa thật sự quan tâm đến bệnh do vi rút Zika
Thời gian qua, mặc dù những cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bệnh do vi rút Zika đã được ngành Y tế liên tục tuyên truyền, song vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến căn bệnh này. Trong khi muỗi vằn - loại muỗi truyền bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại hầu hết các xã, phường, thị trấn của 15/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Sau đợt kiểm tra liên ngành về phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika lần thứ nhất vào đầu tháng 9-2016, mới đây, UBND tỉnh tiếp tục thành lập 3 đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra công tác này tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố lần thứ hai. Qua quá trình thực địa việc vệ sinh môi trường sống và khảo sát kiến thức của người dân tại các hộ gia đình về bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika của các đoàn kiểm tra cho thấy, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh. Chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy còn cao gấp nhiều lần mức độ cho phép, đặc biệt, bệnh do vi rút Zika chưa thực sự được quan tâm, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng họ chỉ nghe qua chứ không hiểu rõ đó là bệnh gì, mức độ nguy hiểm như thế nào.
Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước tại các hộ dân trên địa bàn thị trấn M'Đrắk (huyện M'Đrắk) |
Tại thời điểm đoàn kiểm tra đến kiểm tra thực tế, buôn A1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp có một ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động. Đây cũng là nơi có lượng bệnh nhân SXH cao nhất thị trấn với 9 trường hợp mắc. Thế nhưng, khảo sát tại 10 hộ gia đình thì có đến 6 người được hỏi không biết đến bệnh do vi rút Zika. Bà H.S. (55 tuổi), một người dân ở buôn A1 cho biết: “Tôi có nghe về căn bệnh này trên tivi nhưng không quan tâm lắm, không biết đó là bệnh gì”. Còn theo lời cộng tác viên y tế của buôn thì phần lớn người dân ở đây đều làm nông nghiệp, có nhiều hộ gia đình làm nghề đi rừng dài ngày, cuộc sống lao động vất vả nên họ ít quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe.
Sự chủ quan của người dân khiến cho dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện Ea Súp diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Ea Súp, hiện 10/10 xã, thị trấn đã có bệnh nhân SXH với 24 ổ dịch, số ca bệnh đã tăng gấp 17 lần so với cùng kì năm 2015.
Tương tự, việc khảo sát kiến thức của người dân về dịch bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika tại buôn Yang Lăh 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk cũng đưa lại những kết quả đáng quan ngại. Trong số 5 hộ gia đình được kiểm tra, khảo sát thì có 3 nhà có bọ gậy trong dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Đồng thời tất cả 5 người dân được hỏi đều cho biết chỉ nghe về bệnh do vi rút Zika nhưng không quan tâm đến việc phòng chống. Anh Y.E., một người dân của buôn cho biết: “Hằng ngày, tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mới về, lại chẳng mấy khi xem tivi hay nghe đài phát thanh nên ít chú ý tới các thông tin về phòng chống dịch bệnh. Lúc cán bộ y tế tìm đến nhà tuyên truyền thì vợ chồng tôi lại đi làm nên cũng không gặp được”.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xã Ea Đar (huyện Ea Kar) làm sạch dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. |
Không chỉ người dân ở những vùng sâu, vùng xa ít quan tâm đến bệnh do vi rút Zika mà ngay ở TP. Buôn Ma Thuột, một số người cũng chưa có đủ kiến thức và kĩ năng phòng chống căn bệnh này. Đơn cử như trường hợp của gia đình chị B.T.N. ở xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột. Gia đình chị đã có 3 người bị bệnh SXH, song khi được hỏi nguyên nhân gây bệnh chị không hề biết, còn bệnh do vi rút zika, chị chỉ nghe loáng thoáng qua tivi, loa phát thanh của thôn chứ không quan tâm lắm.
Năm 2016, bệnh SXH gia tăng nhanh chóng trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 7. Theo báo cáo của ngành Y tế, đây là năm có số lượng bệnh nhân SXH cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận một trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ nghi ngờ có liên quan đến bệnh do vi rút Zika tại huyện Krông Búk. Kết quả xét nghiệm mẫu huyết thanh của những thành viên trong gia đình trẻ cho thấy 6/10 mẫu có tồn tại kháng thể IgM kháng vi rút Zika. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã nâng mức cảnh báo bệnh do vi rút Zika lên mức độ 2. Song trên thực tế, vẫn còn một số người dân chưa thực sự lưu tâm đến mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh phát tờ rơi, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. |
Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay bệnh nhân SXH đã có dấu hiệu giảm, phần lớn là nhờ nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh của các địa phương, một phần là do lượng mưa trên địa bàn tỉnh đã giảm, hạn chế tỷ lệ muỗi vằn sinh sản ngoài môi trường. Tuy nhiên, việc trữ nước sinh hoạt tại các hộ gia đình có thể là nhân tố tiềm ẩn khiến bệnh có khả năng tăng trở lại”.
Bác sĩ Long cũng cho rằng, thiếu kiến thức đồng nghĩa với khả năng bệnh lây lan nhanh. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong do SXH và vi rút Zika, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ có thai về mức độ nguy hiểm của bệnh do vi rút Zika đối với thai nhi; tăng cường công tác chỉ đạo, vận động người dân tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, nghiêm túc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Kim Oanh – Thu Huế
Ý kiến bạn đọc