Đắk Lắk triển khai nhiều hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá
Dưới sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) - Bộ Y tế, năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động PCTHTL với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương.
Để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, cũng như các quy định về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn liên quan, Ban Chỉ đạo Chương trình PCTHTL tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về PCTHTL, cả trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, tổ chức 14 lớp tập huấn Luật PCTHTL nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL; thực hiện 30 buổi nói chuyện chuyên đề Luật PCTHTL với hơn 3.000 cán bộ và người dân trên địa bàn tỉnh tham gia; xây dựng 1 cuộc đối thoại truyền hình và 2 phóng sự truyền hình về PCTHTL; phát sóng 2 TV/spot có nội dung về phòng chống tác hại của thuốc lá, cấm hút thuốc lá nơi làm việc và nơi cộng cộng; phối hợp với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk tuyên truyền Luật PCTHTL; sản xuất 60 pano tuyên truyền PCTHTL và 2.000 biển cấm hút thuốc lá cấp phát cho các đơn vị trong tỉnh…
Một lớp truyền thông về phổ biến Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. |
Bên cạnh đó, ngành Y tế- đơn vị chủ lực trong thực hiện các hoạt động PCTHTL đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTHTL tại nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và các địa điểm khác do Luật quy định; hướng dẫn các đơn vị xây dựng nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế không khói thuốc. Đồng thời, phối hợp với Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức Hội thi “Học sinh THPT với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá”. Qua đó đã phổ biến những kiến thức về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL cho giáo viên, học sinh trong nhà trường, từ đó hướng tới xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Ông Lê Văn Thanh, Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y (Sở Y tế), thành viên Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông PCTHTL, nhất là tập trung tuyên truyền cho đối tượng học sinh, thanh thiếu niên, để từ đó những đối tượng này sẽ là hạt nhân nòng cốt tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng về PCTHTL và Luật PCTHTL…”.
Có thể thấy, việc triển khai các hoạt động PCTHTL đã từng bước được đẩy mạnh. Song, công tác tuyên truyền, phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn: hoạt động truyền thông chỉ mới tập trung vào việc tuyên truyền gián tiếp trên 1 số kênh truyền thông (truyền hình, phát thanh, báo, bản tin…) với thời lượng và số lượng còn hạn chế; ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn thấp, tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến; tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn cao; việc xử lý vi phạm về PCTHTL vẫn còn nhiều hạn chế… Do đó, để công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, tiến tới xây dựng môi trường không khói thuốc lá trong tương lai gần, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc