Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống đồng nhiễm viêm gan do virus đối với người nhiễm HIV

08:32, 26/03/2017

Bệnh viêm gan virus B và C là hậu quả của tình trạng nhiễm trùng do virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh viêm gan do virus đang rất phổ biến, thách thức sức khỏe toàn cầu và có thể sánh với các bệnh truyền nhiễm khác như HIV, lao, sốt rét. Viêm gan do HBV và HCV có chung đường lây truyền với HIV và cũng là nguyên nhân gây gia tăng tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV.

Virus HIV là nguyên nhân đẩy nhanh diễn biến tự nhiên của quá trình nhiễm virus viêm gan C nên người đồng nhiễm tiến triển nhanh hơn tới xơ gan, ung thư gan và bệnh gan giai đoạn cuối so với người nhiễm virus viêm gan C đơn thuần. Virus viêm gan C còn làm tăng độc tính của các thuốc kháng HIV cho gan và giảm đáp ứng với điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV). Đồng nhiễm virus viêm gan C thường gặp ở người nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy, bệnh nhân thường có bệnh gan tiến triển nhanh hơn so với người không nhiễm HIV; nguy cơ nhiễm độc gan do các thuốc kháng virus cũng cao hơn.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh hiện đang điều trị cho 301 bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, trong đó có 6,31% nhiễm HIV, 12,6% nhiễm virus viêm gan B và 82,05% nhiễm virus viêm gan C. Do vậy, vấn đề điều trị cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV/HCV hoặc HIV/HBV đang là vấn đề trăn trở của các bác sĩ tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài việc thực hiện điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhân, các bác sĩ còn chú trọng lồng ghép truyền thông để bệnh nhân và người nhà nhận thức được các đường lây như: qua đường truyền máu, sản phẩm máu; từ mẹ sang con khi sinh; lây truyền qua dụng cụ y khoa, tiêm chích ma túy, xăm mình, xỏ lỗ tai… Hằng ngày, các bác sĩ và nhân viên tư vấn của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi họp nhóm mời người nhà bệnh nhân tham gia hưởng ứng việc phòng lây truyền các loại virus viêm gan, bởi lẽ bệnh nhân điều trị Methadone là những đối tượng tiêm chích ma túy nên khả năng nhiễm các loại virus viêm gan rất cao.

 Một buổi họp nhóm của bệnh nhân tham gia điều trị Methadone.
Một buổi họp nhóm của bệnh nhân tham gia điều trị Methadone.

Tuy nhiên, để công tác phòng chống đồng nhiễm các bệnh viêm gan do virus đối với người nhiễm HIV cần có một chiến lược dài hơi, cách dự phòng có hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho những người có yếu tố nguy cơ cao như: nhân viên y tế, nhân viên trong trại cai nghiện hoặc trại phục hồi nhân phẩm. Viêm gan virus C hiện nay chưa có vắc-xin tiêm phòng nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là tránh lây lan theo đường máu, đường quan hệ tình dục, đường tiếp xúc với máu và dịch tiết của người viêm gan. Thiết nghĩ, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống đồng nhiễm viêm gan do virus đối với người nhiễm HIV, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa bằng cách vận động các cấp, ngành, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… hỗ trợ kinh phí khám bệnh, xét nghiệm miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.