Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh: Chú trọng kiểm soát lây nhiễm lao cho cán bộ y tế
Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh được thành lập từ năm 2007, với nhiệm vụ chuyên môn là điều trị các về bệnh lao và bệnh phổi cho nhân dân trên địa bàn khu vực Tây Nguyên.
Do bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, khả năng lây nhiễm chéo rất cao nên từ khi đi vào hoạt động, ban lãnh đạo bệnh viện đã chú trọng thực hiện phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm lao trong môi trường bệnh viện, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ y tế.
Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh hiện có 4 phòng chức năng và 8 khoa chuyên môn (khoa Khám – cấp cứu; khoa Nội 1, 2, 3; khoa dược – vật tư y tế, khoa xét nghiệm, khoa chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng và khoa chống nhiễm khuẩn) với 86 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 17 bác sĩ. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám khoảng 50 lượt bệnh nhân và tiếp nhận điều trị nội trú hơn 50% trường hợp khám bệnh, chủ yếu là bệnh nhân lao và bệnh phổi các loại. Tuy nhiên, điều đáng nói là tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc ngày càng có dấu hiệu tăng lên: trong năm 2016, bệnh viện đã phát hiện và điều trị 42 trường hợp lao kháng thuốc; riêng 3 tháng đầu năm 2017, đã ghi nhận 10 bệnh nhân lao đa kháng thuốc (tăng 6 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016). Hầu hết các ca bệnh đều được chỉ định điều trị nội trú trong thời gian từ 15 ngày tới 2 tháng và liệu trình điều trị kéo dài từ 18 đến hơn 22 tháng… Do đó, khả năng lây nhiễm lao kháng thuốc đối với đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện càng nhiều hơn.
Thăm khám và tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh. |
Trước tình hình đó, Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh đặc biệt chú trọng công tác kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh như: bác sĩ, điều dưỡng… bằng các biện pháp như: bảo đảm cung ứng thuốc điều trị cho bệnh nhân, cấp đầy đủ bảo hộ y tế có chất lượng cao và hóa chất khử khuẩn trong môi trường bệnh viện, tiếp nhận và triển khai các máy móc, thiết bị y tế hiện đại trong quá trình khám và điều trị cho người bệnh… Nhờ vậy, từ khi thành lập đến nay, tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh chưa xảy ra trường hợp nào là cán bộ y tế bị lây bệnh lao từ bệnh nhân. Bà Vũ Thị Gái (thôn Trung Nguyên, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) đang chăm sóc chồng tại Bệnh viện lao và bệnh phổi nhận xét: “Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở đây bắt buộc luôn đeo khẩu trang y tế, nếu ho hoặc khạc nhổ phải khạc vào bô có hóa chất diệt vi khuẩn, khi ho phải che tay hoặc khẩu trang… vì theo các bác sĩ, việc này sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo lao sang những người xung quanh”. Chị Lê Thị Bình, điều dưỡng trưởng khoa Nội 2 (Lao đa kháng thuốc) chia sẻ: “Tôi công tác tại bệnh viện đã tròn 10 năm. Hằng ngày luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm lao từ người bệnh nên trong quá trình công tác, tôi và các đồng nghiệp luôn chủ động phòng tránh bằng cách sử dụng đầy đủ bảo hộ khi khám chữa bệnh, chăm sóc hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; chú trọng tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thực hiện vệ sinh, khạc nhổ đúng nơi quy định, xử trí đờm của người bệnh đúng cách; chú trọng bồi bổ sức khỏe để tăng cường sức đề kháng…”.
Tuy nhiên, hiện nay chế độ đặc thù về lao, phổi (được Nhà nước hỗ trợ 70% lương) tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh chỉ dành cho bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ xét nghiệm, hộ lý… tại các khoa khám và điều trị nội trú, còn những cán bộ y tế khác làm các phòng chuyên môn, khoa Dược… dù cũng làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhưng lại không nhận được hỗ trợ nào ngoài lương và khen thưởng định kỳ của đơn vị. Do vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương trong việc hỗ trợ, nâng cao chất lượng đời sống cho bộ phận cán bộ y tế tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh để họ yên tâm công tác, có thêm động lực để gắn bó với công việc vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Hương Xuân – Đình Thi
Ý kiến bạn đọc