Bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ và cách phòng ngừa
Với sự phát triển của xã hội, đời sống dinh dưỡng ngày một nâng cao và lối sống ít vận động đã khiến nhiều trẻ em bị thừa cân béo phì. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh đái tháo đường…
Bệnh đái tháo đường có 2 loại chính là type 1, type 2. Đái tháo đường type 1 là một thể bệnh của trẻ, có tính chất di truyền và nguyên nhân là do rối loạn tổng hợp insulin nơi sản xuất insulin, mang tính chất bẩm sinh nhiều hơn do đó bắt buộc phải điều trị bằng insulin thay thế. Đái tháo đường type 2 thường gặp ở người lớn và thường có liên quan đến các yếu tố ăn uống, béo phì, cao huyết áp, lười vận động hoặc không tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đa phần trẻ mắc đái tháo đường type 2 ở nước ta thường gắn liền với chứng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng và việc ăn uống thiếu điều độ gây nên. Trên thực tế, thói quen ăn nhiều đường, thực phẩm có nhiều năng lượng, chất béo nhưng lại lười vận động, hay xem ti vi, chơi điện tử đã gây tình trạng thừa cân ở trẻ. Với những trẻ béo phì, thời kỳ đầu mới phát béo, chức năng sản xuất insulin vẫn còn hoạt động bình thường nhưng dần dần, sự đề kháng insulin tăng lên làm hiệu quả hoạt động của chất này trong cơ thể bị giảm sút. Để khắc phục hiện tượng này, tuyến tụy sẽ phải hoạt động quá sức dẫn đến các chức năng sản sinh ra insulin ở tuyến tụy bị giảm dần, lúc này insulin trong cơ thể sẽ không đủ hàm lượng để duy trì việc chuyển hóa đường trong máu ở mức bình thường như ban đầu nữa. Đây chính là lý do gây ra bệnh đái tháo đường ở trẻ béo phì.
Bệnh đái tháo đường điển hình ở trẻ em thể hiện bởi 4 dấu hiệu: đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và gầy sút cân. Nếu bệnh nhân đến viện muộn, trẻ thường có các biến chứng như thể lực phát triển chậm, chậm dậy thì, giảm thị lực và đục thủy tinh thể. Ngoài ra, khoảng 25% trẻ mới mắc bệnh với diễn biến cấp tính, đái nhiều, uống nhiều, mất nước nặng và nhiễm toan chuyển hoá. Trong khi đó, việc điều trị bệnh đái tháo đường cho trẻ rất khó, bởi trẻ em đang cần nhiều dinh dưỡng để phát triển. Không những thế, việc điều trị không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó hạ đường huyết là một biến chứng thường gặp nhất, mà khi hạ đường huyết sẽ làm giảm sự phát triển của não. Nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến giảm trí thông minh và giảm thị lực ở trẻ.
Để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm liên quan đến béo phì, trong đó có bệnh tiểu đường, các chuyên gia y tế cho rằng cần chăm sóc tốt cho trẻ từ trong bào thai để tránh thiếu hoặc thừa dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh. Đối với trẻ nhỏ, cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng; nếu phải nuôi bằng sữa bột, không nên sử dụng thêm đường hay tinh bột. Khi trẻ ăn dặm, thức ăn phải được bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết để giúp trẻ tăng trưởng tối đa. Còn đối với trẻ lớn và trẻ vị thành niên, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là phải luôn giữ cho trẻ một trọng lượng cơ thể hợp lý thông qua các chế độ ăn uống hàng ngày và các hoạt động thể chất một cách thường xuyên. Cụ thể, cần tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình thích hợp theo từng lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội... ở mức độ vừa phải, không nên gắng sức; sinh hoạt điều độ, hạn chế xem tivi, chơi điện tử hoặc thức quá khuya. Về ăn uống, cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường; khuyến khích ăn rau xanh và hoa quả tươi; hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống có đường. Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi sự tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao để phát hiện sớm trẻ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì để xử trí kịp thời.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc