Huyện Ea Súp tăng cường phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người
Đến thời điểm này, huyện Ea Súp đã ghi nhận 7 ổ dịch cúm gia cầm, trong đó có 2 ổ dịch dương tính với cúm A H5N1. Trước tình hình đó, ngành y tế huyện đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người.
Ngày 3-5-2017, sau khi xét nghiệm phát hiện đàn vịt khoảng 2 ngàn con hơn 2 tháng tuổi của gia đình bà Nguyễn Thị Lương ở thôn 17, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) dương tính với cúm A/H5N1, ngành y tế huyện Ea Súp đã nhanh chóng cử cán bộ đến phối hợp với các ban ngành chức năng của xã Ea Rốk tiến hành phun hóa chất chuồng trại và nơi ở của các hộ dân sống gần nơi xảy ra ổ dịch, tiêu hủy trên 1500 con gia cầm. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn hộ chăn nuôi các biện pháp phòng dịch bệnh lây từ gia cầm sang người.
Theo Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp Đoàn Văn Hà, ngay sau khi nhận được thông tin trên địa bàn huyện có ổ dịch cúm, ngoài việc phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tiến hành tiêu hủy gia cầm, khoa đã tham mưu cho Ban lãnh đạo cử cán bộ xuống tuyên truyền cho người dân nắm được kiến thức về phòng chống dịch bệnh, chủ động báo cho chính quyền địa phương khi có gia cầm ốm, chết, không được làm thịt, ăn thịt gia cầm ốm chết và phải đào hố chôn lấp gia cầm theo đúng quy định, thường xuyên phải rửa tay sạch bằng xà phòng để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây từ gia cầm sang người.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện, đến thời điểm này, toàn huyện đã ghi nhận 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 3 xã là Ea Rốk, Ea Lê và Ya Tờ Mốt, trong đó, có 2 ổ dịch dương tính với cúm A/H5N1. Hiện trên địa bàn huyện Ea Súp có khoảng 300.000 con gia cầm. Thời gian qua, các hộ chăn nuôi chưa chú trọng đến công tác tiêm phòng, bảo vệ đàn gia cầm. Vì thế, gia cầm phát bệnh và lây lan sang người là điều rất dễ xảy ra.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H5N1, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã phối hợp với các ban ngành của huyện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm ở các xã tiến hành xử lý ổ dịch, tiêu hủy trên 6.000 con gia cầm, theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với ổ dịch. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch, công văn triển khai phòng chống cúm A/H5N1 trên gia cầm và các biện pháp phòng chống bệnh cúm A/H5N1 trên người; thành lập các đội cơ động phòng chống dịch cũng như thiết lập đường dây nóng để trả lời, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm; tăng cường giám sát theo dõi những trường hợp sốt cao, khó thở có tiểu sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh để có biện pháp điều trị, cách ly xử lý kịp thời; thường xuyên phối hợp với cơ quan thú y trong các hoạt động giám sát phát hiện sớm ổ dịch để không lây sang người.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và 4 biện pháp phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để ứng phó với dịch bệnh nếu xảy ra.
Với các biện pháp khẩn trương, quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đặc biệt là công tác tuyên truyền về phòng chống dịch cúm gia cầm của ngành Y tế, người dân trên địa bàn huyện đã từng bước nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh và chủ động thực hiện các bước phòng ngừa bệnh cúm lây lan từ gia cầm sang người.
Các chuyên gia y tế cho biết, cúm là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút, lây lan nhanh. Bệnh lây chủ yếu từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp theo đường hô hấp, niêm mạc mắt. Đặc biệt bệnh cúm gà có thể lây từ gà, ngan... sang người với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, ho, đau họng... có thể dẫn đến viêm phổi nặng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc