Giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh nghi do vi rút Zika
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã triển khai cho các đơn vị trực thuộc thực hiện giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh nghi do vi rút Zika.
Cụ thể, các đơn vị đã đẩy mạnh truyền thông về phòng chống bệnh do vi rút Zika; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy; tăng cường quản lý thai sản, tổ chức tốt việc khám sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng phát ban, sốt, đau mỏi cơ, khớp, đau mắt đỏ hoặc siêu âm nghi ngờ thai nhi có đầu nhỏ; tư vấn hướng dẫn phụ nữ mang thai đến ngay cơ sở y tế khi nghi ngờ nhiễm vi rút Zika; tiến hành điều tra, giám sát khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika, trẻ sơ sinh có chứng đầu nhỏ…
Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Krông Búk kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ bị chứng đầu nhỏ nghi do vi rút Zika trên địa bàn. |
Theo Bộ Y tế, bệnh do vi rút Zika thường nhẹ, người lớn nhiễm vi rút Zika hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, vi rút Zika đặc biệt được khuyến cáo đáng lo ngại đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, bởi biến chứng nguy hiểm nhất do vi rút Zika có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh. Trẻ mắc hội chứng đầu nhỏ có thể bị động kinh, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, gặp khó khăn trong việc cân bằng và đi lại, khó nuốt, mất thính lực, thị lực, thậm chí đe dọa đến tính mạng…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc