Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai

17:28, 05/08/2017

Vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là sự tăng trưởng thể chất và phát triển trí não của trẻ.

Phụ nữ mang thai nếu thiếu vi chất dinh dưỡng thường dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tiền sản giật, băng huyết...; trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng từ trong bụng mẹ thì khi sinh ra thường nhẹ cân, dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi, dễ bị ốm đau.

Hiện nay, tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, acid folic, vitamin A, vitamin D… ở phụ nữ mang thai vẫn còn rất phổ biến, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi vì phụ nữ mang thai cần cung cấp dinh dưỡng cho cả mẹ lẫn thai nhi, ngoài 4 nhóm thực phẩm chính là đạm, tinh bột, đường, chất béo và rau thì thai phụ cần bổ sung thêm nhiều loại vi chất dinh dưỡng cần thiết khác để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Nhu cầu mỗi loại vi chất dinh dưỡng khác nhau, nếu thiếu hụt các loại vi chất này trong thời gian mang thai sẽ gây nhiều ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con như mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Còn trẻ sơ sinh bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng tỉ suất và bệnh suất sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Bên cạnh đó, những đứa trẻ sinh ra bởi bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.

Ảnh minh họa  (Nguồn: Gettyimages)
Ảnh minh họa (Nguồn: Gettyimages)

Phụ nữ mang thai thiếu acid folic có thể gây những dị tật ống thần kinh của thai nhi như vô sọ, gai đôi cột sống. Thiếu I-ốt ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, tai biến sản khoa như sinh non, con suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ. Phụ nữ mang thai bị thiếu kẽm có thể dẫn đến dị dạng bào thai, giảm cân nặng và chiều dài của trẻ sơ sinh, chậm phát triển tầm vóc; thiếu sắt làm tăng nguy cơ trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, tử vong ở mẹ và con; thiếu acid folic gây dị tật ống thần kinh, hở hàm ếch; thiếu DHA khiến trẻ kém thông minh…

Ngoài ra, dinh dưỡng kém từ trong bào thai cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị béo phì và các bệnh không lây sau này, làm nặng hơn và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ em khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy, viêm phổi hay các bệnh viêm đường hô hấp khác.

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu vi chất khi mang thai, bác sĩ Nguyễn Thi Hoa lưu ý, phụ nữ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất ngay từ khi có ý định mang thai đến suốt quá trình mang thai và sau khi sinh cho con bú. Cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, trứng, cá, đậu, sữa nhằm tạo hình và phát triển đầy đủ các cơ quan của cơ thể bé. Chất sắt có nhiều trong cá, thịt nạc, thịt bò, cá loại thịt ngũ cốc, đậu nành, các loại rau có màu xanh đậm… Acid folic có nhiều trong rau lá xanh như: súp lơ xanh, cải làn, các loại hạt như đỗ tương, đỗ đỏ, đỗ đen, các loại hoa quả và nước hoa quả họ cam quýt… Vitamin A có nhiều trong dưa hấu, bí đỏ, đu đủ, quả đào, cà rốt. Nguồn DHA có nhiều trong thịt đỏ, nội tạng, cá biển như cá ngừ, cá hồi. Bổ sung qua thực phẩm có thể sẽ không đầy đủ do dưỡng chất bị mất qua quá trình chế biến, đặc biệt là nếu mẹ bầu gặp phải các triệu chứng của ốm nghén như: mệt mỏi, buồn nôn, đầy hơi… nên phụ nữ trước và trong quá trình mang thai, phụ nữ sau khi sinh và đang cho con bú cần bổ sung thêm các sản phẩm chứa các vitamin và khoáng chất hằng ngày.

       Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.