Multimedia Đọc Báo in

Tiêm vắc-xin cúm là biện pháp phòng bệnh cúm hiệu quả nhất

08:26, 20/08/2017

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng, có thể gây thành dịch, đại dịch dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hằng năm có khoảng 5-10% người trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng 5 triệu trường hợp diễn biến nặng và hơn 250.000 người tử vong. Riêng tại Việt Nam, bệnh cúm xảy ra quanh năm và có tỷ lệ mắc đứng đầu trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính với trên 1,5 triệu người có biểu hiện mắc bệnh cúm mỗi năm, xảy ra nhiều nhất vào mùa đông - xuân với các biểu hiện ban đầu: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và thường hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Bác sĩ Lý Thu Hiền, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương cho biết: “Virus cúm có ba nhóm chính là A, B, C nhưng nhóm A là nhóm thường gặp nhất, virus cúm nhóm A có thể gây thành đại dịch, có khả năng gây nhiễm ở các loài động vật, như: lợn, ngựa và các loài chim, gia cầm. Còn virus cúm B và C chủ yếu gây bệnh ở người. Bệnh cúm có thể lây lan qua đường hô hấp khi hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật chứa virus cúm, bệnh lây lan càng mạnh khi có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nhất là ở những nơi công cộng”.

Phụ nữ mang thai và dự định mang thai cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm.
Phụ nữ mang thai và dự định mang thai cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm.

Các triệu chứng cúm bắt đầu từ 1 - 4 ngày sau khi virus cúm vào cơ thể, điều đó có nghĩa người bệnh có thể truyền bệnh cho người khác trước khi biết mình bị bệnh hoặc một số người bị mắc bệnh cúm nhưng không có triệu chứng. Các chuyên gia y tế khẳng định, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh cúm, trong đó, đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người thường xuyên chăm sóc bệnh nhân cúm, trường hợp bị bệnh mạn tính như: bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, hen, rối loạn chuyển hóa, ung thư, thiếu máu…

Để phòng ngừa bệnh cúm, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung, như: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng, tránh tập trung nơi đông người… thì biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm hằng năm.

Theo các chuyên gia, bất kỳ lứa tuổi nào từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm vắc-xin cúm hằng năm, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm cúm. Tuy nhiên, tất cả các đối tượng trước khi tiêm cần được khám sàng lọc và tư vấn của cán bộ y tế. Trong một số trường hợp, sau khi tiêm chủng vắc-xin có thể gặp phản ứng nhẹ giống như tiêm các loại vắc-xin khác, thường gặp nhất là đau nhẹ tại vị trí tiêm, sưng, đỏ hoặc sốt… Các phản ứng này thường nhẹ và kết thúc sau 1-2 ngày.   

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.