Trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng, thể bệnh nặng
Những ngày gần đây, số trẻ em nhập viện do sốt xuất huyết (SXH) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Điều đáng nói, các trường hợp vào viện trong tình trạng nặng, có dấu hiệu cảnh báo tăng cao hơn so với năm trước.
Bé Nguyễn Thảo Hoàng Anh, 10 tuổi, nhà ở Phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột được gia đình đưa vào Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị SXH đến nay đã bước sang ngày thứ 8. Mẹ của cháu - chị Phùng Thị Hương Thảo cho biết: Ở nhà, ban đầu cháu có biểu hiện rát họng, sau đó sốt cao liên tục gần 40oC và kèm theo nôn nhiều không dứt. Gia đình vội đưa cháu vào viện. Tại đây, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm máu, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị SXH.
Cùng phòng bệnh với bé Hoàng Anh là bệnh nhi Huỳnh Quốc Đạt, 14 tuổi, nhà ở Phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, đã điều trị tại khoa được 6 ngày vì SXH. Theo người nhà của Đạt, khi ở nhà, cháu bỗng nhiên sốt cao trên 39oC, dù đã được chườm mát liên tục và uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Những ngày sau, cháu còn liên tục đau bụng, khó chịu trong người nên gia đình đưa cháu vào bệnh viện khám. Sau khi làm xét nghiệm, cháu Đạt được chẩn đoán SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và chỉ định nhập viện điều trị.
Một trẻ mắc SXH đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Thống kê của Khoa Nhi tổng hợp, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 141 trường hợp mắc SXH, lượng bệnh rải đều trong các tháng. Đáng chú ý, khoảng gần một tuần nay, số ca nhập viện do SXH tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước đó, trung bình mỗi ngày khoảng 6 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH xác định. Không chỉ tăng về lượng bệnh, trường hợp bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm, tổn thương gan cũng tăng hơn so với năm trước. Hiện tại, trong số 22 trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa, có 6 trường hợp mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo, tổn thương gan.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp khuyến cáo: Để tránh mắc SXH, các bậc phụ huynh phải giữ cho trẻ tránh bị muỗi đốt bằng cách vệ sinh môi trường; giáo dục cho trẻ biết cách phòng tránh muỗi đốt để trẻ tự bảo vệ mình. Trong trường hợp trẻ có các biểu hiện như sốt cao liên tục, đau đầu, đau sau hốc mắt hoặc thấy trẻ mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, bứt rứt, tiểu ít, quấy khóc lăn lộn, nôn nhiều, có cảm giác đau vùng bụng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh SXH sẽ nguy hiểm với trẻ em do hệ miễn dịch kém. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi đề điều trị kịp thời.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cho biết: Khi bị SXH, cho trẻ uống nhiều nước Oresol, nước lọc, nước gạo rang, nước trái cây … Đồng thời, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin như rau, nước quả ép. Không cho trẻ uống các loại nước có ga, đặc biệt, tránh thức ăn cay, thức ăn quá nóng hay quá lạnh. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc