Ám ảnh vì bệnh vảy nến
Ban đầu ông N.V.S (54 tuổi, trú thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) có những nốt đỏ nhỏ mọc thành đám trên da; những nốt đỏ này dần lan khắp người khiến ông S. luôn bứt rứt, ngứa ngáy khó chịu. Ông than thở: “Bệnh vảy nến làm tôi mặc cảm, tự ti vô cùng, suốt ngày tôi phải mặc quần áo dài dù thời tiết nóng nực đến mấy. Mỗi lần tắm gội, nhìn cơ thể chi chít những nốt đỏ, tôi lại cảm thấy chán chường…”. Ông H.T M (60 tuổi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng bị vảy nến hành hạ suốt nhiều năm. Lúc đầu ông bị ngứa bong vảy trên đầu, sau đó lan ra khắp người và toàn thân. Tưởng mình bị hắc lào, ông M. đi khám mới biết bị vảy nến. Kể từ khi mắc bệnh, ông không dám mặc quần áo ngắn mỗi khi đi ra ngoài. Chị B.T.H.Y (23 tuổi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng bị vảy nến từ cách đây 2 năm, lúc đầu xuất hiện ngứa trên đầu sau lan dần xuống tay chân… Chị Y nhận thấy cứ khi nào căng thẳng hay có vấn đề gì phải suy nghĩ thì bệnh càng tăng lên khiến chị càng ngứa ngáy, bứt rứt. Bệnh tật khiến chị vô cùng tự ti, ngại tiếp xúc ở những nơi đông người bởi chị nhận được những ánh nhìn không thiện cảm, nhiều người không dám đứng gần.
Biểu hiện của bệnh vảy nến. |
Theo bác sĩ CKII Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh, ở Việt Nam hiện nay, bệnh vảy nến chiếm tỷ lệ 3 - 5% tổng số bệnh nhân đến khám da liễu. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của người bệnh mà đặc tính khó trị và dễ tái phát của căn bệnh này đã khiến không ít người bệnh suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Ở dạng khởi phát sớm, bệnh vảy nến thường gặp ở độ tuổi từ 16 - 22 tuổi, những người có người thân cùng huyết thống từng mắc phải bệnh vảy nến thì nguy cơ bị bệnh vảy nến thường rất cao. Khi có cả bố và mẹ đều mắc phải bệnh này thì nguy cơ con sinh ra mắc phải bệnh vảy nến chiếm từ 60 - 70%, nếu chỉ có bố hoặc mẹ mắc bệnh thì tỷ lệ con mắc bệnh khoảng 25%. Bệnh biểu hiện với những tổn thương da như từng mảng đỏ, tróc vảy dày từng mảng, xuất hiện ở một hay nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thường gặp ở da đầu, cùi chỏ và đầu gối.
Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy cho biết, hiện nay bệnh vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể khống chế và kéo dài thời gian thuyên giảm bệnh, ngăn ngừa các biến chứng, hạn chế ảnh hưởng xấu của bệnh đến chất lượng cuộc sống, đến tinh thần, tâm lý của người bệnh. Bệnh vảy nến không lây, song có thể gây tổn thương nhiều vị trí trên cơ thể cũng như các cơ quan khác bên cạnh tổn thương da. Bệnh có thể gây biến chứng đỏ da toàn thân và vảy nến mủ do điều trị không đúng. Ngoài ra, bệnh cũng gây biến chứng tim mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng lipid máu, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và tinh thần người bệnh.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, nếu có biểu hiện bệnh thì cần đi khám để bác sĩ tư vấn, phát hiện sớm biến chứng; cảnh giác với các dấu hiệu viêm khớp như khớp cứng, đau, nhất là vào buổi sáng khi thức dậy. Biến chứng này thường gặp ở 10-30% bệnh nhân vảy nến. Do đó cần điều trị sớm để phòng ngừa biến dạng khớp. Bên cạnh đó, người bị vảy nến nên tránh dùng các chất kích thích, hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá...; kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, giữ sức khỏe tốt, rèn luyện thể lực…
Dù là vảy nến khó chữa trị và rất dễ tái phát nhưng những nghiên cứu thực tế đã chứng minh rằng, chỉ cần người bệnh nỗ lực tuân theo những lời khuyên của bác sĩ và sử dụng đúng phương pháp điều trị thì vảy nến sẽ không còn là nỗi ám ảnh đáng sợ nữa.
Bích Lệ - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc