Phòng bệnh đau nhức xương khớp khi thời tiết chuyển mùa
Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân mắc bệnh xương khớp nói chung và thoái hóa khớp nói riêng, đặc biệt là người lớn tuổi.
Đây là thời điểm người bệnh phải đối mặt với các cơn đau nhức tăng một cách đột biến, thường khởi phát lúc mới ngủ dậy, nặng hơn vào cuối ngày và kéo dài cho đến đêm. Đầu tiên là cảm giác đau từ các vị trí như khớp gối, cột sống, cổ tay, bàn tay, cổ, vai, thắt lưng… hoặc nặng hơn là tình trạng sưng khớp, tê cứng khớp làm hạn chế khả năng vận động. Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng trên kéo dài nhiều ngày mà không có biện pháp chăm sóc xương khớp đúng cách thì nguy cơ dính khớp, biến dạng khớp dẫn đến tàn phế là rất cao.
Theo lý giải của các chuyên gia, khi nhiệt độ hạ xuống đột ngột, cơ thể chúng ta có xu hướng cố dự trữ năng lượng khiến việc lưu thông máu kém hơn bình thường, đồng thời cũng làm giảm lưu thông của dịch khớp. Với bệnh nhân thoái hóa khớp, khi sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương kèm theo sự lưu thông dịch khớp giảm đi làm cho sự cọ xát giữa các đầu xương tăng lên, gây đau nhiều hơn.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh cơ xương khớp. Ảnh: Q.Nhật |
Mặt khác, khi vào mùa mưa, áp suất khí quyển giảm và độ ẩm tăng khiến cho các khớp giãn ra và chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh sụn khớp và xương dưới sụn hư tổn nên bệnh nhân cảm nhận rõ hơn các cơn đau, đặc biệt với người thoái hóa khớp nặng sẽ thấy đau dữ dội khi vận động.
Chăm sóc và bảo vệ khớp đúng cách giúp người bệnh chủ động đối phó với các cơn đau khớp khi thời tiết chuyển mùa. |
Khi bị đau nhức xương khớp, nhiều người không dám vận động, đi lại, thậm chí chỉ ngồi hay nằm một chỗ. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo: "Nếu không vận động, các khớp sẽ trở nên cứng lại, sụn khớp và xương dưới sụn không được nuôi dưỡng sẽ nhanh hư tổn, gây đau nhiều hơn. Tuy nhiên, cần tránh vận động mạnh cũng như tập các môn thể thao cường độ cao như điền kinh, bóng đá, tennis… do khớp đã có dấu hiệu thoái hóa mà còn phải vận động với tần suất cao sẽ khiến tổn thương càng nặng hơn. Vì thế, người bệnh nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng, có thể tập 5-10 phút/lần, 3 lần/ngày. Điều này giúp cho máu huyết lưu thông tốt và tạo điều kiện vận chuyển dưỡng chất đến sụn khớp, hạn chế tình trạng xơ cứng, dính khớp".
Theo lời khuyên của bác sĩ Hùng, bên cạnh việc bổ sung dưỡng chất phù hợp cho sụn khớp và xương dưới sụn, người bị thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày: hạn chế lên xuống cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, tránh các môn thể thao cường độ cao, hạn chế dùng bia rượu và các chất kích thích thần kinh vì chúng có khả năng gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị, không ăn nhiều muối và đạm để hạn chế tình trạng sưng, viêm; sử dụng rau củ quả, thực phẩm chứa nhiều vitamin D, omega-3… Vào thời điểm trời mưa, trở lạnh, ngay cả khi ở trong nhà, người bệnh cần mặc ấm, dùng khăn quàng cổ, găng tay, tất…; đặc biệt cần hạn chế tiếp xúc nước hay mưa lạnh.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc