Multimedia Đọc Báo in

An toàn thực phẩm ngày Tết

08:28, 10/02/2018

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến gần, nhu cầu về thực phẩm của người dân cũng tăng cao. Ngoài nỗi lo về giá cả “leo thang”, người tiêu dùng còn đang phải đối mặt với nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Vừa mua… vừa lo

Càng gần Tết, không khí mua sắm càng trở nên nhộn nhịp hơn, đây cũng là thời điểm các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc dễ dàng xâm nhập vào thị trường.

Tại Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán như bánh kẹo, mứt, hạt dưa, giò chả… được bày bán vô cùng phong phú, đa dạng về chủng loại, màu sắc bắt mắt, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Theo bà Cao Thị Xuân Thu, một tiểu thương có hơn 20 năm kinh doanh ngành hàng bánh kẹo tại chợ này, để có các sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng và giá phù hợp phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết, bà đã đi đến các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tự tay lựa chọn kỹ càng. Tuy nhiên, quan sát tại nhiều quầy kinh doanh bánh kẹo ở khu vực này dễ dàng nhận thấy, bên cạnh các loại bánh kẹo có thương hiệu như Bibica, Hữu Nghị, Kinh Đô, Hải Hà... với đầy đủ nhãn mác, thông tin sản phẩm, vẫn có khá nhiều mặt hàng kẹo, bánh, mứt không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được bày bán.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.

Sự băn khoăn của không ít người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn để vui Xuân, đón Tết không phải là không có cơ sở, bởi ngoài những cơ sở kinh doanh thực phẩm thật sự chú trọng đến nguồn gốc sản phẩm còn có những cơ sở sản xuất thực phẩm xem nhẹ các điều kiện vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm. Chỉ tính riêng năm 2017, trong số 11.659 cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thanh tra, kiểm tra vẫn còn trên  24% cơ sở vi phạm ATTP. Hay như mới đây, khi kiểm tra tại Cơ sở dịch vụ ăn uống Nhà hàng Thế Sơn tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện nhiều sai phạm như : cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ ăn uống; nhiều gia vị, thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; thức ăn sống và chín để lẫn lộn trong tủ lạnh…

Tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm

Nhằm bảo đảm chất lượng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018, Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và hoạt động truyền thông. 3 đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có trọng điểm tại các địa phương, tập trung vào những cơ sở sản xuất, chế biến, siêu thị, đại lý cấp 1, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm và chú trọng đến những mặt hàng thực phẩm có hạn sử dụng ngắn ngày, được người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết. Đồng thời, kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.

Theo bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ nhiều trong dịp Tết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm…

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, mỗi người dân trước hết hãy là những người tiêu dùng thông minh. Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tại các địa chỉ uy tín, xem kỹ mẫu mã sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ in trên bao bì; khi thấy các sản phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc,  hỏng thì tuyệt đối không nên mua.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.