Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

09:07, 27/02/2018

Sau ngày tái thành lập (30-8-1977), toàn huyện M'Đrắk chỉ có 1 cơ sở y tế với 10 giường bệnh và 11 cán bộ y tế, trang thiết bị hầu như không có gì, các phương tiện khám chữa bệnh sơ sài, thuốc điều trị bệnh khan hiếm; công tác khám và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Đến nay, sau hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Y tế huyện M'Đrắk đã có bước phát triển vượt bậc, thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Toàn ngành hiện có trên 300 cán bộ, y bác sĩ (có 45 bác sĩ, trong đó có 15 bác sĩ chuyên khoa cấp I và chuyên khoa cấp II). Trong số gần 20 cơ sở y tế, tất cả các trạm y tế có bác sĩ, 7/13 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa huyện đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang với nhiều thiết bị hiện đại, 179 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn huyện. Chất lượng khám và chữa bệnh ngày càng được nâng lên; nhiều dịch vụ, kỹ thuật mới được áp dụng như: phẫu thuật dẫn lưu màng phổi, cắt lách cấp cứu, khâu lỗ thủng dạ dày... đã giúp người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Bệnh viện Đa khoa huyện đã tiếp nhận 72.007 lượt người đến khám chữa bệnh, tăng 2,1% so với cùng kỳ; điều trị nội trú cho 8.327 lượt bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh đạt 118%. Bệnh viện đã thành lập ngân hàng máu sống, phát động nhiều đợt hiến máu nhân đạo, giải quyết kịp thời các trường hợp cấp cứu.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk tham gia Hội thi nâng cao tay nghề năm 2017.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk tham gia Hội thi nâng cao tay nghề năm 2017.

Bên cạnh việc điều trị bằng Tây y thì phương pháp chữa trị bằng Đông y cũng được áp dụng rộng rãi trong việc khám và điều trị bệnh. Đến nay, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và thầy thuốc chữa bệnh bằng phương pháp Đông y của huyện M’Đrắk có 27 người, trong đó có 1 bác sĩ, 16 y sĩ y học cổ truyền, 10 lương y. Huyện có 1 khoa đông y (thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện), 8 phòng chẩn trị và 5 trạm y tế có y sĩ về y học cổ truyền. Công tác tuyên truyền, phổ biến việc phát triển cây dược liệu và bảo tồn cây thuốc quý trong nhân dân được chú trọng; đến nay, 13/13 trạm y tế có vườn cây thuốc nam từ 40 - 60 loại cây thuốc, với diện tích từ 80 - 100 m2; 11 cơ quan, trường học có vườn thuốc nam; 10.570 hộ gia đình có vườn thuốc, khóm thuốc; trong đó có những cây thuốc quý đã được bảo tồn và phát triển như: cây sa nhân, đỗ trọng dây, ma linh, cốt toái bổ... Nhiều bài thuốc dân gian hay đã được đưa vào điều trị mang lại hiệu quả cao đối với các bệnh về thận, đau lưng, viêm, loét dạ dày, viêm gan, phong thấp, u nang buồng trứng và trị cảm thương hàn. Hằng năm, huyện M’Đrắk đã khai thác đưa vào sử dụng từ 8-10 tấn dược liệu phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân.

Với những thành tựu đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, năm 2007 Bệnh viện Đa khoa huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2012 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Tiến Ninh - Mỹ Sự

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.