Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong mùa nắng nóng

08:33, 12/05/2018

Viêm não Nhật Bản là dịch bệnh xảy ra quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, số người mắc thường có xu hướng tăng vào mùa nắng nóng từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, do đây là thời gian thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus đều có thể mắc bệnh, nhưng chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, hầu hết bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản thường nhập viện trong tình trạng có biến chứng nặng do không được phát hiện kịp thời. Sở dĩ những trường hợp mắc nặng là do bệnh viêm não Nhật Bản có biểu hiện ban đầu dễ bị nhầm lẫn với các chứng bệnh thông thường như cảm, sốt virus; chỉ đến khi tình trạng bệnh kéo dài, uống thuốc không đỡ, bệnh nhân mới đi khám thì bệnh đã tiến triển nặng và biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, thời kỳ ủ bệnh từ 5 - 15 ngày. Mới đầu, trong khoảng thời gian từ 1 - 6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn khan. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát, người bệnh sốt cao liên tục 38 - 40 oC, xuất hiện những dấu hiệu ở màng não và rối loạn thần kinh thực vật như co cứng cơ, co vặn, co giật, động cơn, run, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ. Trường hợp bệnh tiến triển nặng, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (10 - 20%) hoặc di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, không nói được. Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50% số người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản, chủ yếu vẫn là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét. Vì vậy, việc phòng tránh bệnh là rất quan trọng.

Phun hóa chất diệt muỗi là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản.
Phun hóa chất diệt muỗi là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh: Internet

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh lưu ý, để chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi nhằm hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi ngủ cần nằm màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.

Việc thực hiện tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắcxin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắcxin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắcxin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm. Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng phòng bệnh viêm não Nhật Bản với 3 liều cơ bản sau: Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2: sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Qua các nghiên cứu cho thấy, trẻ bị viêm não nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công chiếm 94%, số trường hợp có di chứng chỉ chiếm 6%. Còn trong trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 3 - 5 ngày khởi phát bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh giảm chỉ còn khoảng 70% và tỷ lệ di chứng, tử vong lên tới gần 30%.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.