Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện sớm để phòng nguy cơ tự tử do trầm cảm

08:53, 29/07/2018

Trầm cảm là chứng bệnh rối loạn tâm trạng gây ra một cảm giác buồn, chán nản, bi quan và mất hứng thú kéo dài, dai dẳng; lâu ngày nó có thể sẽ khiến người bệnh khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình, bạn bè, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, người mắc bệnh trầm cảm có thể có ý định tự tử.

Vì vậy, nếu sớm nhận biết các dấu hiệu mắc bệnh không chỉ giúp việc điều trị bệnh hiệu quả mà còn hạn chế được nguy cơ tự tử do trầm cảm gây nên. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện Việt Nam có khoảng 4% dân số (tương đương với 3,6 triệu người) bị rối loạn trầm cảm. Còn tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, hằng năm, Khoa Khám tiếp nhận khoảng 1.400 bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm; riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã có 569 bệnh nhân bị trầm cảm phải nhập viện điều trị, chưa kể số bệnh nhân bị trầm cảm điều trị tại cộng đồng.

Một bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm đến tái khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Một bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm đến tái khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Trầm cảm là một trong những rối loạn về sức khỏe tâm thần có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Cách đây không lâu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận một bệnh nhân là chị Nguyễn Thị T. (46 tuổi, ở xã Đăk D’rông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) do thất bại trong việc kinh doanh nên thường có tâm trạng buồn bã, chán nản, không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với bất cứ ai, ít ăn và thường xuyên bị mất ngủ. Đặc biệt, trong đầu chị luôn có ý tưởng tự sát. Một lần phát hiện chị T. định uống thuốc trừ sâu để tự tử, người thân mới đưa chị đến bệnh viện khám và phát hiện chị mắc bệnh trầm cảm. Trường hợp khác là chị Lại Thị T. (57 tuổi, ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cũng phải điều trị bệnh trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Trước đó, chị T. được phát hiện bệnh với các triệu chứng, như: đau đầu thường xuyên, mất ngủ kéo dài, tâm trạng lúc nào cũng lo âu, sầu muộn. Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị T. cho hay: “Do gặp áp lực trong cuộc sống gia đình nên lúc nào tôi cũng suy nghĩ để tìm hướng giải quyết. Thế nhưng càng nghĩ càng bế tắc. Có khoảng thời gian tôi cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa và luôn nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Trong một lần đi khám bệnh, tôi được các bác sĩ tư vấn đến chuyên khoa thần kinh để khám và kết quả là tôi mắc chứng bệnh trầm cảm. Sau một thời gian điều trị, hiện tình trạng bệnh của tôi đã ổn định, tôi chỉ cần tái khám thường xuyên để theo dõi và điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ”. 

Để phòng tránh bệnh trầm cảm, mỗi người cần phải có lối sống lành mạnh và suy nghĩ tích cực, không làm việc quá sức, không quá tham vọng, biết chấp nhận thực tế, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày. Trong cuộc sống nên loại bỏ những mối quan tâm không cần thiết với bản thân, tạo thêm niềm vui mỗi ngày từ những việc xung quanh mình.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Khám (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết: “Trầm cảm là một chứng bệnh thuộc hệ thần kinh, chịu nhiều tác động từ môi trường sống, điều kiện làm việc và yếu tố tâm lý. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, tuy nhiên, đa phần số người đến bệnh viện điều trị thường bị sang chấn tâm lý bởi một cú sốc nào đó trong cuộc sống hoặc do làm việc, sống trong một môi trường áp lực kéo dài quá sức chịu đựng; bất thường trong nội tiết, thay đổi hoóc-môn và có yếu tố di truyền”. Cũng theo bác sĩ Bé, trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, ở cả nam lẫn nữ nhưng tỷ lệ nữ mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp hai lần. Khi mới mắc bệnh, bệnh nhân có những biểu hiện như: buồn rầu, chán nản, u uất kéo dài hơn hai tuần, hằng tháng hoặc hằng năm; bệnh nhân thường than phiền mệt mỏi không rõ nguyên nhân; người bệnh mất hứng thú với các hoạt động trong đời sống; giảm sút sự tập trung và chú ý. Đến giai đoạn nặng hơn, người mắc bệnh trầm cảm hay bị hoang tưởng, luôn có suy nghĩ tội lỗi hoặc không xứng đáng, nhìn vào tương lai ảm đạm, bi quan, có ý tưởng hoặc hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát...

Trầm cảm là một tình trạng bệnh lý nặng nhưng không phải không có phương pháp chữa trị. Đặc biệt, bệnh trầm cảm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ được chữa khỏi hoàn toàn trong khoảng thời gian dùng thuốc ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức sai lầm cùng với sự kỳ thị của cộng đồng, sự lạnh nhạt của người thân đã vô tình làm cho người mắc bệnh trầm cảm không được phát hiện và điều trị đúng cách. Vì vậy, để điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả, trước tiên gia đình, người thân cần phối hợp với bác sĩ để tìm hiểu và loại bỏ nguyên nhân gây thất vọng và trạng thái tâm lý cho bệnh nhân; đồng thời khuyên nhủ người bệnh tuân thủ đúng phác điều trị của các bác sĩ. Bên cạnh đó, gia đình cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần người bệnh để họ bớt cảm thấy cô đơn.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc