Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận một trường hợp nghi nhiễm não mô cầu

17:12, 18/10/2018

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa tiếp nhận một bệnh nhi nghi nhiễm não mô cầu. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận trong năm 2018.

Bệnh nhân là cháu Giàng Thị Ngọc H. (15 tháng tuổi, dân tộc Mông, ở thôn 4, xã Ea M’Đoan, huyện M’Đrắk). Ngày 15-10, cháu H. có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, khò khè, sau đó sốt cao kèm theo nôn ói. Đến sáng 17 gia đình phát hiện cháu có nhiều ban đỏ ở toàn thân nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk khám bệnh và được chuyển lên điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu H. bị viêm màng não, thiếu máu, nhiễm trùng huyết nghi do nhiễm não mô cầu, viêm phổi nặng.

Bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trong đêm 17 và ngày 18-10, bệnh nhân sốt cao liên tục, mạch rõ chi ấm, phổi ral ẩm hai bên, tử ban rải rác toàn thân, có biểu hiện thâm đen hoại tử vùng trung tâm. Hiện tình trạng bệnh của cháu bé rất nặng, tiên lượng nguy cơ tử vong cao.

Cũng theo bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, nhiễm trùng huyết do não mô cầu là bệnh nhiễm trùng do vi trùng Nesseria Meningitidis gây ra, có thể biểu hiện dưới bệnh cảnh tối cấp gây sốc nặng và tử vong rất cao. Để phòng bệnh não mô cầu, người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ; vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như: sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.