Bệnh sởi bùng phát trở lại
Sau hơn 2 tháng khống chế thành công dịch sởi, mới đây bệnh sởi đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh và nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng rất dễ xảy ra khi dịp Tết người dân đi lại giao lưu nhiều.
Số liệu thống kê của ngành Y tế cho thấy, tính từ ngày 14-1 (khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện) đến 25-1, toàn tỉnh đã ghi nhận 17 trường hợp mắc bệnh sởi tại 4 địa phương: Krông Bông, Krông Ana, Lắk và Cư M’gar. Trong đó số ca bệnh tập trung chủ yếu ở huyện Krông Bông (10 ca) và Cư M’gar (5 ca). Đáng chú ý, số người mắc bệnh được ghi nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cả trẻ em và người lớn, hầu hết các trường hợp mắc sởi đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Đơn cử như 5 trường hợp mắc bệnh tại huyện Cư M’gar có độ tuổi từ 14 tháng tuổi đến 8 tuổi, trong đó có 3 trường hợp là người cùng một gia đình, nhưng tất cả đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Một trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại cơ sở y tế. |
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh sởi trên địa bàn, ngành chức năng đã triển khai cấp bách các công tác phòng chống dịch bệnh: tiến hành cách ly ca bệnh; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các thôn, buôn có ca bệnh. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng sởi cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại những vùng có dịch. Cụ thể, tại 2 huyện Krông Bông và Cư M’gar tuy số ca bệnh cao nhưng lại tập trung ở 1 địa bàn (gồm xã Hòa Phong, huyện Krông Bông và xã Ea M’Đroh, huyện Cư M’gar) nên công tác tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi-rubella sẽ được thực hiện đối với tất cả trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã. Còn tại huyện Lắk và Krông Ana, mỗi huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ được thực hiện trong phạm vi bán kính 200m xung quanh khu vực nhà bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Thời điểm cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân nhiều hơn dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh sởi trong cộng đồng cũng tăng cao. Vì vậy, Sở Y tế đã có chỉ đạo Trung tâm Y tế phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết. Đặc biệt với bệnh sởi phải triển khai ngay các hoạt động, kể cả làm việc trong những ngày nghỉ Tết để ngăn ngừa không cho bệnh lây lan rộng trong cộng đồng và trở thành dịch lớn.
Tiêm vắc xin đúng mũi, đủ liều là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi cho trẻ em. (Ảnh minh họa) |
Được biết, hiện nay, ngoài những trẻ trong độ tuổi được bảo vệ bằng vắc xin phòng bệnh sởi nhưng lại bị bố mẹ “quên” đưa con đi tiêm thì trong cộng đồng còn có rất nhiều người lớn (trên 20 tuổi) chưa từng được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng. Tích lũy nhiều năm trở lại đây, con số này khá lớn, nhất là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa được tiêm phòng sởi sẽ không có kháng thể để truyền cho con, điều này dẫn đến tình trạng trẻ vừa sinh ra, chưa đến tuổi tiêm phòng sởi (9 tháng tuổi trở lên) đã mắc bệnh. Đây chính là những yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh sởi có thể xuất hiện và bùng phát trên địa bàn. Vì thế, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo: “Để phòng bệnh sởi, biện pháp hữu hiệu nhất là đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch và đủ mũi tiêm. Ngoài ra, khi phát hiện trẻ bị sốt và có dấu hiệu của bệnh sởi (ho, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, nổi ban đỏ…) các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới ngay cơ sở Y tế gần nhất để được khám, phân loại và cách ly điều trị.
Theo các chuyên gia y tế, sởi là bệnh có tiến triển rất nhanh, nặng và dễ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn non yếu hoặc những trẻ có cơ địa suy dinh dưỡng, trẻ mắc các bệnh như: bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính hay các bệnh suy giảm hệ miễn dịch. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc