Krông Bông tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi và thủy đậu
Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Bông bùng phát bệnh sởi và thủy đậu, đặc biệt là trong vùng đồng bào người Mông.
Những ngày gần đây, người dân trên địa bàn thôn Ea Uôl, xã Cư Pui hết sức lo lắng vì trẻ em nhà nào cũng có những dấu hiệu bị bệnh. Anh Sính Phìa Tủa - một người dân trong thôn cho biết, gia đình anh có 3 con nhỏ thì 2 cháu đầu (3 tuổi và 2 tuổi) đều có dấu hiệu sốt, phát ban và mệt mỏi, chán ăn… Nghi 2 cháu bị sởi nên anh đã đưa đến Trạm y tế xã để điều trị. Riêng cháu út chưa đầy 1 tuổi thì bị nhẹ hơn, chỉ nổi nốt đỏ chứ không sốt nên để ở nhà tự chăm sóc.
Theo Trưởng thôn Ea Uôl Sính Cháng Páo, thôn có 307 hộ đều là người Mông. Từ trước Tết đến nay, hầu như nhà nào cũng có con nhỏ bị bệnh với các dấu hiệu như nổi nốt đỏ, sốt, người uể oải… Nhiều cháu bị nặng được cha mẹ đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, còn những cháu nhẹ thì để ở nhà tự mua thuốc cho uống. "Gia đình mình có 7 người con đều có những dấu hiệu như vậy nhưng chỉ có đứa lớn 18 tuổi là bị nặng nhất nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện để điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh thủy đậu” - ông Sính Cháng Páo kể.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Krông Bông khám sàng lọc cho trẻ em trước khi tiêm phòng. |
Bác sĩ Trương Văn Bảo, Trưởng Trạm Y tế xã Cư Pui cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn đã xuất hiện nhiều ca nghi mắc sởi và thủy đậu. Bên cạnh đó, do thời tiết thay đổi liên tục, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, người dân trên địa bàn lại thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường nên trẻ em thường mắc các bệnh theo mùa, trong đó có cả sốt phát ban, ghẻ lở…
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã ghi nhận 21 trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh sởi ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm, trong đó có 9 trường hợp dương tính với bệnh sởi và 12 trường hợp nghi mắc sởi hiện đã gửi mẫu đi xét nghiệm và đang đợi kết quả; 14 trường hợp mắc bệnh thủy đậu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi, ngành Y tế huyện đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Sở Y tế và UBND huyện, triển khai nhiều biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh. Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, huyện đã tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, bệnh thủy đậu và lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng sởi, thủy đậu đến các cán bộ y tế thôn, buôn để qua đó truyền đạt đến tận người dân ở vùng sâu, vùng xa, người di cư tự do... Trung tâm cũng chỉ đạo giám sát chặt chẽ các trường hợp phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi để triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng. Đối với các trường hợp bị bệnh, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn cách ly trong vòng 7 ngày để tiến hành điều trị, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị; thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, thủy đậu; hướng dẫn người chăm sóc trẻ các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện…
Một ca mắc bệnh sởi đang điều trị Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông. |
Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, bệnh sởi và thủy đậu đều do virus và rất dễ lây lan nhưng hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, những gia đình có con em chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đầy đủ thì khẩn trương đưa con em mình đến cơ sở y tế để được tiêm phòng. Khi thấy người thân sốt phát ban, nghi ngờ mắc bệnh sởi, hay thấy nổi nốt thủy đậu thì phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không điều trị tại nhà, tránh để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Từ ngày 7-1 đến ngày 20-2-2019, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông đã tổ chức tiêm đợt vét vắc xin phòng bệnh sởi cho 502 đối tượng ở những vùng có nguy cơ cao như xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm (đạt 87,2%) và sẽ tiếp tục tiến hành tiêm vét trong những ngày tới. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc