Kiểm soát tốt đường huyết để phòng biến chứng bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, có thể làm bệnh nhân tàn phế, giảm tuổi thọ và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được kiểm soát đường huyết tốt bằng cách tích cực chữa trị, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học vẫn có thể khỏe mạnh và sống thọ.
Theo Bộ Y tế, ở nước ta, bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung đang tăng nhanh. Ước tính, cả nước hiện có khoảng 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là một trong 10 bệnh gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả nam lẫn nữ, gây các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến cụt chi.
Tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường: Ảnh: Nguyên Mi (VOV) |
Tái khám bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bà Hoàng Thị Lương ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng cho biết: “Tôi bị cao huyết áp và mắc bệnh đái tháo đường gần 15 năm nay. Nhờ được các bác sĩ tư vấn, kiên trì khám bệnh định kỳ, tuân thủ chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc đái tháo đường, tập thể dục thường xuyên, đều đặn nên dù đã gần 70 tuổi mà sức khỏe của tôi vẫn rất tốt, đi lại sinh hoạt như người bình thường”. Ngược lại, do không tuân thủ đúng phác đồ điều trị của các y, bác sĩ, ăn uống cũng không kiêng khem, thuốc uống lúc nhớ lúc quên nên mới 59 tuổi mà mắt của bà Hoàng Thị Thu (ở thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đã bị mờ không nhìn thấy rõ. Đây chính là một trong những biến chứng từ bệnh đái tháo đường.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nội tiết cơ xương khớp, nguyên nhân bệnh đái tháo đường ngày càng tăng do nhiều yếu tố nguy cơ, như: tình trạng thừa cân, béo phì, bệnh lý tim mạch tăng, rối loạn chuyển hóa lipit máu, yếu tố di truyền… Bệnh đái tháo đường có nhiều biến chứng, là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận, mức độ tổn thương từ nhẹ đến suy thận mạn. Biến chứng ở mắt làm gia tăng bệnh võng mạc hay đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa. Biến chứng thần kinh ngoại biên là biến chứng thường gặp nhất, bệnh nhân thường có cảm giác tê rát, châm chích hai chân, mất cảm giác ở bàn chân, bệnh nhân không nhận biết cảm giác nóng, đau. Bàn chân khô, nứt, xuất hiện các vết chai tại các vị trí chịu lực tì đè. Biến chứng về tim mạch gồm có mạch máu lớn và nhỏ. Biến chứng mạch máu lớn với các bệnh mạch vành gây đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim yên lặng, suy tim, bệnh mạch máu não gây tai biến mạch máu não, nhồi máu não, xuất huyết não, cơn thoáng thiếu máu não… Biến chứng ở mạch máu nhỏ gây ra các bệnh về thận, bệnh võng mạc (đái tháo đường gây xuất huyết, xuất tiết võng mạc, phù gai thị, có thể mù lòa).
Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa, biến chứng của bệnh đái tháo đường rất nguy hiểm nhưng người bệnh có thể ngăn chặn, làm chậm hoặc làm giảm các biến chứng nếu kiểm soát đường huyết bằng cách sắp xếp lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực phù hợp và điều trị theo đúng y lệnh của bác sĩ. Chế độ ăn của người bệnh quyết định nhiều đến sự ổn định đường huyết cũng như tình trạng của bệnh nhân đái tháo đường nhưng người bệnh cũng không nên ăn kiêng quá mức hoặc chế độ ăn hoàn toàn không có đường. Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều rau, quả, chất xơ, hạn chế chất đường, tinh bột, chất béo, muối, thức ăn nhanh… Vận động sẽ giúp bệnh nhân tăng sử dụng năng lượng, giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ và giảm cân, tinh thần thoải mái, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để phòng mắc bệnh đái tháo đường nói riêng, các bệnh không lây nhiễm nói chung, Bộ Y tế khuyến cáo: mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia; thường xuyên kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế để phát hiện bệnh sớm, đặc biệt là đối với những người trên 40 tuổi. Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện bệnh sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.
Bệnh đái tháo đường là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nên quá trình điều trị có thể sẽ kéo dài đến suốt đời. Do vậy, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ dùng thuốc mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, ngay cả khi bản thân đã hoàn toàn khỏe mạnh. Người bệnh không được tự ý thay đổi liều dùng hay ngừng dùng thuốc vì nếu ngừng dùng thuốc đột ngột có thể gây tăng đường huyết đến mức nguy hiểm. |
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc