Xử trí khi trẻ bị quai bị
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Độ tuổi nào cũng có khả năng nhiễm bệnh, trong đó trẻ em dưới 10 tuổi dễ bị nhiễm bệnh nhất. Phòng ngừa và xử trí bệnh quai bị đúng cách sẽ giúp trẻ tránh được những biến chứng sau này.
Theo các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), quai bị là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do paramyxovirus gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và thời gian ủ bệnh từ 18 - 21 ngày. Vi rút tồn tại trong nước bọt bệnh nhân 1 ngày trước khi sưng tuyến nước bọt mang tai và tồn tại tiếp trong vòng 6 ngày.
Khi mới bắt đầu nhiễm trùng, bệnh nhân thấy khó chịu, nhức đầu, đau trước tai. Sau đó một bên tuyến nước bọt mang tai bắt đầu sưng to, 2 - 3 ngày sau sẽ lan sang bên kia. Chỗ sưng đau nhưng không tấy đỏ, da bóng lên, ấn không lún, không hóa mủ, họng hơi đỏ. Trong thời gian bị bệnh, bệnh nhân có thể sốt lên đến 40 độ C. Bệnh sẽ khỏi dần sau 1 tuần.
Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh quai bị cho trẻ. |
Khi trẻ bị quai bị, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, không cho trẻ vận động nhiều. Đặc biệt, trong trường hợp trẻ bị sưng tinh hoàn thì cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, đồng thời, cho trẻ ăn uống đầy đủ, không kiêng cữ. Thông thường, trẻ bị quai bị ăn uống rất khó khăn nên cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu trẻ sốt cao hoặc quá đau có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt (paracethamol), cần cách ly để trẻ nhanh khỏi bệnh và tránh lây lan sang người khác.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như: viêm não - viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng. Trong đó, viêm tinh hoàn là biến chứng thường gặp nhất, xảy ra sau 7 - 10 ngày viêm tuyến nước bọt, trẻ thường đột ngột sốt cao 40 - 41 độ C, lạnh run, nhức đầu, mê sảng, ói mửa, đau bụng, tinh hoàn sưng to, đỏ, rất đau. Tình trạng viêm và sốt cao kéo dài 3 - 7 ngày, một số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Đối với bé gái thì biến chứng viêm buồng trứng, đau nặng vùng thượng vị và đau bụng một bên hoặc hai bên gần vùng hố chậu và cũng có thể gây vô sinh.
Bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Vì vậy, để phòng tránh quai bị cho trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng. Hiện nay, có 2 loại vắc xin phòng bệnh quai bị gồm: Vắc xin quai bị hoặc vắc xin kết hợp 3 bệnh sởi, quai bị và rubella. Loại vắc xin kết hợp được cơ thể dung nạp tốt, có tác dụng gây miễn dịch chắc chắn và bền vững. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm phòng quai bị khi trẻ từ 13 tháng tuổi trở lên.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc