Những lưu ý trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh xuất hiện nhiều vào mùa mưa hằng năm. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn còn chủ quan hoặc chưa trang bị đủ kiến thức phòng bệnh. Ngành Y tế Đắk Lắk dự báo năm nay sẽ là năm chu kỳ của bệnh sốt xuất huyết, có nghĩa là bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân tăng nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh căn bệnh này. Sau đây là một vài lưu ý trong phòng chống bệnh SXH:
“Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”
Đây là câu khẩu hiệu quen thuộc trong phòng bệnh SXH. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nhiều người vẫn chưa chú trọng diệt lăng quăng, trong khi đây là hoạt động quan trọng nhất. Việc làm này đơn giản và chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ của mỗi người. Trứng muỗi có thể tồn tại trong điều kiện không có nước khoảng 6 tháng đến 1 năm nên chỉ cần một cơn mưa nhỏ đã trở thành điều kiện tốt để trứng muỗi nở thành bọ gậy. Do đó, để phòng tránh tình trạng này, người dân nên thường xuyên kiểm tra các vật dụng có chứa nước trong nhà, đậy thật kín, không để muỗi bay vào; thu gom và tiêu hủy các vật phế thải chứa nước xung quanh nhà. Đối với chậu cây cảnh có nước nên bỏ một ít dầu ăn vào để tạo lớp váng, tránh muỗi đẻ trứng.
Bệnh nhân SXH nặng điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Phun thuốc diệt muỗi chỉ là giải pháp tình thế
Lâu nay, người dân luôn có thói quen phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết phun thuốc diệt muỗi chỉ là giải pháp tình thế, tức là hoạt động này chỉ có thể tiêu diệt con muỗi trưởng thành, ngăn chặn việc muỗi mang mầm bệnh đốt người lành, chứ không diệt được bọ gậy, lăng quăng. “Thời gian từ trứng muỗi đến muỗi trưởng thành ở điều kiện tốt là từ 7 đến 13 ngày, do đó mới có hiện tượng buổi sáng ngành y tế đi phun thuốc mà buổi chiều đã xuất hiện muỗi”, bác sĩ Phạm Văn Lào nói.
Bệnh sốt xuất huyết ở thể nhẹ có thể điều trị tại nhà
Bệnh SXH có 3 nhóm, gồm: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng. Theo Bộ Y tế, nhóm SXH Dengue chiếm tới 71%. Đây là nhóm bệnh nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước qua đường uống và hạ sốt. Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), việc điều trị ngoại trú đối với nhóm bệnh nhẹ là khuyến cáo của các thầy thuốc, giúp hạn chế tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc điều trị nhất thiết phải có sự hướng dẫn của cán bộ y tế hoặc cộng tác viên y tế thôn, buôn bởi có nhiều trường hợp tự điều trị đã dùng quá liều thuốc hạ sốt paracetamol, dẫn đến suy gan.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân tìm và xử lý nơi muỗi thường đẻ trứng. |
Những trường hợp đặc biệt cần nhập viện điều trị ngay khi có dấu hiệu của bệnh SXH
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm cho biết từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận hai trường hợp phụ nữ mang thai mắc bệnh SXH và trong quá trình điều trị đã bị sảy thai. Theo bác sĩ Lâm, phụ nữ mang thai là đối tượng bị suy giảm miễn dịch nên rất dễ bị xuất huyết. Ngoài ra, có một số loại thuốc điều trị bệnh SXH chống chỉ định đối với thai nhi nên việc chữa trị bệnh cho những trường hợp này rất khó khăn. Do vậy, phụ nữ có ý định mang thai hoặc đang có thai cần hết sức cảnh giác, tăng cường phòng bệnh hơn những người bình thường. Bên cạnh đó, những trường hợp đặc biệt như trẻ suy dinh dưỡng, người béo phì, người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường…, người sống một mình và ở cách xa cơ sở y tế thì nên nhập viện ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh SXH, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà vì dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc