Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xóa vùng "trắng" tiêm chủng Đắk Hiêu

08:48, 14/07/2019
Từ một địa bàn “trắng” tiêm chủng, đến nay sau những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Trạm Y tế xã Đắk Phơi (huyện Lắk), làng Đắk Hiêu (thuộc buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi - nơi sinh sống của cộng đồng người Hmông di cư tự do) đã nâng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em lên trên 50%.

Định kỳ ngày 12, 13 hằng tháng, không kể ngày nghỉ lễ, thứ bảy, chủ nhật, trời mưa hay trời nắng, đội ngũ cán bộ Trạm Y tế xã Đắk Phơi đều mang thùng vắc xin vào làng Đắk Hiêu tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Chị Đào Thị Cam có 4 người con, đứa thứ 4 vừa mới sinh được 20 ngày tuổi. Cả 3 đứa con đầu của chị đều chưa được tiêm ngừa mũi vắc xin nào. Khi sinh đứa thứ 4, chị Cam được cán bộ Trạm Y tế xã Đắk Phơi thường xuyên đến tận nhà giải thích cặn kẽ lợi ích của việc tiêm phòng nên nghe tin có đội tiêm chủng lưu động của Trạm Y tế xã Đắk Phơi về làng, chị tranh thủ bế đứa con mới sinh đến tiêm vắc xin phòng bệnh lao.

Tương tự, chị Thào Thị Thổ từ lúc sinh đứa con đầu lòng đến bây giờ đã 2 tuổi nhưng chưa lần nào chị đưa con đi tiêm phòng. Lý do đơn giản là vì chồng chị sợ con bị sốt nên không cho tiêm. Được tuyên truyền về tác dụng của việc tiêm chủng nên khi đoàn cán bộ Trạm Y tế xã Đắk Phơi về tiêm tận nơi, chị Thổ quyết định đưa đứa con vừa mới sinh được 1 tháng tuổi đến tiêm. 

Tiêm ngừa cho trẻ em ở làng Đắk Hiêu thuộc buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi (huyện Lắk). Ảnh: Q.Nhật
Tiêm ngừa cho trẻ em ở làng Đắk Hiêu thuộc buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi (huyện Lắk). Ảnh: Q.Nhật

Bác sĩ Phạm Thế Thắng, Trưởng Trạm Y tế xã Đắk Phơi cho biết, làng Đắk Hiêu có 82 hộ, 391 khẩu, hầu hết là người dân tộc Hmông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, có cuộc sống hết sức khó khăn, trình độ dân trí thấp, trên 50% dân số không biết tiếng Kinh, lại tồn tại nhiều tập quán lạc hậu nên họ không quan tâm đến lợi ích của việc tiêm chủng. Thêm vào đó, đường sá đi lại từ Đắk Hiêu ra trung tâm xã Đắk Phơi rất khó khăn, vào mùa mưa làng này gần như bị cô lập. Đây là những lý do khiến từ năm 2015 về trước, Đắk Hiêu là điểm “trắng” tiêm chủng.

Để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng, hằng tháng, cán bộ, y bác sĩ Trạm Y tế xã Đắk Phơi phối hợp với người có uy tín của làng Đắk Hiêu đến tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh; thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về sức khỏe, đến từng hộ gia đình tư vấn, giải thích kỹ về lợi ích của việc tiêm phòng đối với bà mẹ đang mang thai và trẻ nhỏ.

Đặc biệt, mỗi tháng một lần, nhân viên y tế của trạm vượt đường xa, thậm chí phải đi bộ cả quãng đường dài vào mùa mưa, mang theo vắc xin vào tận làng tiêm ngừa cho người dân. Những đối tượng nào không đi hoặc không thực hiện tiêm chủng, cán bộ trạm nhờ người có uy tín nhất buôn đến tận nhà vận động, thuyết phục.

Mặc dù là tiêm chủng ngoài trạm, song công tác tiêm chủng được Trạm Y tế xã Đắk Phơi thực hiện đúng theo quy định Bộ Y tế, bảo đảm quy trình an toàn tiêm chủng, trẻ em và phụ nữ mang thai đến tiêm chủng đều được tư vấn, khám sàng lọc trước khi tiêm, sau tiêm được lưu lại 30 phút theo dõi. Với những nỗ lực đó, công tác tiêm chủng tại Đắk Hiêu đã chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, để đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở Đắk Hiêu thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng dân di cư tự do vào làng Đắk Hiêu vẫn liên tục tăng theo từng ngày nên rất khó quản lý đối tượng tiêm chủng; không ít người dân vẫn còn chủ quan, không cho trẻ tiêm đủ mũi vắc xin, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà dịch bệnh cũng dễ bùng phát. Điển hình nhất là đợt dịch sởi bùng phát vào đầu năm 2019, làng Đắk Hiêu có đến 16 trường hợp mắc bệnh trên tổng số 21 ca của toàn xã. Qua điều tra, hầu hết những trường hợp này đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh trước đó hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ liều. Ngoài ra, vì là khu dân cư tự phát nên Đắk Hiêu hiện vẫn chưa có cộng tác viên y tế khiến  công tác tuyên truyền vận động, quản lý đối tượng trong diện tiêm chủng gặp khó khăn. 

Thống kê của Trạm Y tế xã Đắk Phơi, từ một địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng bằng 0, đến năm 2018 tỷ lệ trẻ em tại làng Đắk Hiêu được tiêm đầy đủ các mũi đạt tỷ lệ 52%; tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm phòng uốn ván đạt 45%.

Mỹ Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.