Cẩn trọng với bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Đắk Lắk đang bước vào thời điểm đỉnh dịch của bệnh sốt xuất huyết (SXH) với số ca bệnh tăng liên tục; trong đó nhiều ca bệnh là trẻ em. Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh vì chưa có kỹ năng phòng chống, dễ xảy ra biến chứng, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên là đơn vị tiếp nhận số lượng bệnh nhi SXH cao nhất tỉnh. Tại đây, công tác điều trị SXH được thực hiện tại các khoa, gồm: Truyền nhiễm, Nhi tổng hợp, Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh, Hồi sức tích cực và chống độc song hiện các khoa này đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhi SXH nặng tới cấp cứu và điều trị. Khoa chỉ có 35 giường bệnh nhưng hiện đang điều trị cho 51 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân mắc SXH chiếm một nửa. Bệnh bắt đầu tăng nhanh từ đầu tháng 7. Tất cả các bệnh nhi SXH đến khoa đều trong tình trạng nặng, có dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, tiểu cầu giảm. Trong 26 ca bệnh SXH đang điều trị tại khoa thì có 7 ca đã bị sốc. Tuy đã được cấp cứu nhưng tiên lượng bệnh vẫn còn nặng và cần được theo dõi sát sao.
Bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn nhấn mạnh
|
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh cho biết: Bệnh SXH ở trẻ em diễn biến nhanh và phức tạp hơn nhiều so với người lớn. Đặc biệt nếu trẻ có bệnh lí nền, sức đề kháng yếu thì bệnh càng dễ dẫn đến biến chứng.
Trường hợp của bé Nguyễn Đăng Quang (8 tuổi, ở huyện Krông Ana) là một ví dụ. Khi thấy con bị sốt, gia đình đã đưa đi khám và được yêu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Song đến khi nhập Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh, cháu đã rơi vào tình trạng sốc. Được biết, trước đó một tháng cháu Quang vừa phẫu thuật u tai, sức khỏe chưa kịp ổn định thì bị mắc SXH.
Dù nguy hiểm như vậy song vẫn còn khá nhiều phụ huynh chủ quan với căn bệnh này, không đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh. Chẳng hạn như trường hợp của bé Nhã Đan (8 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột). Bé được đưa đến nhập viện trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, tiểu cầu giảm, dẫn đến sốc. Các bác sĩ đã cấp cứu cho cháu thoát khỏi cơn nguy kịch nhưng hiện cháu vẫn trong diện phải theo dõi chặt chẽ. Mẹ bé cho biết, khi thấy con sốt, gia đình chỉ chăm sóc bằng cách chườm mát cho bé; sau 3 ngày không đỡ mới đưa cháu đến khám ở phòng mạch tư thì bác sĩ yêu cầu nhập viện gấp.
Các bác sĩ lưu ý trẻ dư cân, béo phì là đối tượng dễ gặp phải các biến chứng của bệnh SXH. Trường hợp bệnh nhi tử vong trong tháng 7 vừa qua cũng có cơ địa béo phì. Ở trẻ bình thường, tỷ lệ sốc SXH chiếm khoảng 4,6 - 4,8%, trong khi tỷ lệ này ở trẻ mập phì lên tới 15%, tức là gấp gần 3 lần trẻ bình thường. Bản thân trẻ mập phì đã có rối loạn chuyển hóa về đường, đạm, mỡ máu, miễn dịch… nên khi cấp cứu cho đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường khi truyền dịch, bác sĩ phải xác định lượng dịch truyền dựa vào cân nặng của trẻ. Nhưng với trẻ mập phì lại không thể dựa vào cân nặng thực tế được. Nếu cân bằng không đúng thì dễ dẫn tới tình trạng quá tải dịch truyền. Bên cạnh đó, việc tiếp cận tĩnh mạch (lấy ven) ở trẻ mập phì cũng rất khó.
Trẻ em vốn hiếu động, dù cơ thể đau hay mệt mỏi vẫn có thể chơi đùa nên nhiều trường hợp cha mẹ chưa quan tâm đúng mức. Có thể trẻ đang tỉnh táo nhưng bệnh trở nặng và xuất hiện dấu hiệu cảnh báo rất nhanh.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc