Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng khi mua và sử dụng các loại thảo dược không rõ nguồn gốc

09:10, 03/08/2019

Hiện nay trên thị trường, nhất là qua các trang mạng xã hội, các loại thảo dược như nấm linh chi, nhân sâm, tam thất… được giới thiệu và bán công khai với nhiều mức giá khác nhau. Mặc dù đã có những khuyến cáo không tự ý mua và sử dụng các loại thảo dược không rõ nguồn gốc để chữa bệnh, nhưng nhiều người vẫn tìm mua các loại thảo dược trôi nổi trên thị trường để chữa trị, bồi bổ sức khỏe.

Anh Nguyễn Văn Khang (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Cách đây 2 năm anh phát hiện mình mắc bệnh gout. Thời điểm đó, nghe ai mách bài thuốc gì chữa được bệnh là anh tìm mua và áp dụng ngay. Anh Khang than thở: “Nghe nói uống trà cây gắm sẽ giúp bệnh thuyên giảm và hết hẳn nên tôi cũng nhờ người đặt mua loại trà này về uống. Tuy nhiên, sau một thời gian dài uống loại trà này, bệnh của tôi vẫn không hết. Đến giờ, trong nhà tôi vẫn còn hơn chục hộp trà vì lỡ đặt mua nhiều mà không dùng đến.

Còn ông Võ Văn Nhâm (trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, bản thân ông bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm. Trước đây, hằng tháng ông thường xuyên đi khám bệnh và mua thuốc về uống nhưng vẫn không khỏi. Sau đó, ông được một người quen giới thiệu có một loại thảo dược trị bệnh tiểu đường rất tốt, giá rẻ nên đã tìm mua. “Thuốc này được bào chế hoàn toàn bằng thảo dược, tôi phải nhờ người quen mua từ ngoài bắc gửi vào chứ ở đây không có. Thấy thuốc được gói trong từng gói ni lông nhỏ, mỗi ngày uống 2 gói, không ghi thành phần, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng nhưng người quen bảo cứ yên tâm nên tôi uống”, ông Nhâm nói.

Các loại thảo dược được chị Trần Thị Nhung đặt mua trên mạng, không có xuất xứ, nguồn gốc, hạn dùng.
Các loại thảo dược được chị Trần Thị Nhung đặt mua trên mạng, không có xuất xứ, nguồn gốc, hạn dùng.
 

Mỗi loại thảo dược đều có tính năng, công dụng khác nhau tương ứng với từng loại bệnh. Không phải cứ mắc bệnh vào là đổ xô tìm mua các loại thảo dược quý về dùng với suy nghĩ không chữa được bệnh thì bồi bổ sức khỏe. Tốt nhất, khi mắc bệnh, bệnh nhân nên đến các cơ sở uy tín để lựa chọn mua các loại thảo dược, đồng thời được hướng dẫn công dụng, chức năng của loại thảo dược đó. Không nên tự ý mua thảo dược trôi nổi, không rõ nguồn gốc, tránh việc “tiền mất, tật mang”.

 

 
Lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh

Để bồi bổ sức khỏe cho bản thân và những người thân trong gia đình, chị Trần Thị Nhung (trú tại huyện Cư M’gar) thường hay tìm mua các loại nấm quý hiếm, sâm Ngọc Linh về ngâm. Khi được hỏi về nguồn gốc và chất lượng các loại thảo dược chị đã mua, chị Nhung lắc đầu nói: “Thật sự tôi không rành về các loại thảo dược, chỉ thấy họ bày bán, quảng cáo nên bắt chước mọi người mua về. Khi mua có hỏi thì họ bảo lên rừng đào được. Chủ yếu mình tin tưởng vào người bán chứ nguồn gốc, xuất xứ thì mình chịu”.

Theo Lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, khi mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ, gout, ung thư… nhiều bệnh nhân với tâm lý muốn nhanh chóng chữa hết bệnh nên ai chỉ cho bài thuốc gì cũng mua và áp dụng mà không biết rằng việc làm này rất nguy hiểm. Hiện nay, trên thị trường các loại thảo dược trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nhiều. Thậm chí có nhiều người còn tự vào rừng, dựa vào kinh nghiệm của bản thân để tìm cây thuốc.

Thực tế thảo dược có rất nhiều cây có hình dạng gần giống nhau, bản thân thầy thuốc Đông y còn khó phân biệt được - cụ thể như củ mài, thế nhưng trên mạng xã hội và ngoài thị trường củ mài được bày bán rất nhiều và không rõ nguồn gốc, việc mua nhầm và đem về sử dụng là không tránh khỏi. Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền và bày bán các loại trà từ cây gắm để trị gout nhưng các chuyên gia y học cổ truyền cho biết, cây gắm chỉ dùng để đào thải các chất độc khi bị ngộ độc, hoặc dùng làm thuốc chữa sốt, sốt rét. Cây gắm không có chức năng đào thảo axit uric nên uống trà gắm điều trị gout là không đúng.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.