Bệnh không lây nhiễm âm thầm gia tăng
Trong khi các bệnh lây nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp thì các bệnh không lây nhiễm cũng âm thầm gia tăng và khó kiểm soát.
Bệnh không lây lấn lướt bệnh lây
Bệnh không lây nhiễm còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người như: tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính... đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo một báo cáo không đầy đủ của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 73% các trường hợp tử vong hằng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Hiện trên cả nước, tỷ lệ bệnh tăng huyết áp chiếm khoảng 13%, bệnh tâm thần chiếm khoảng 14%, đái tháo đường chiếm khoảng 3% dân số, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm 4% người trưởng thành.
Nếu trước đây, trên thế giới và ở nước ta, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm và lây nhiễm được so sánh là 1-3 thì nay ngược lại, có nghĩa là xu thế bệnh không lây nhiễm đang lấn lướt bệnh lây nhiễm. Nguyên nhân khiến cho bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng được xác định có liên quan đến các yếu tố hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau củ quả, ăn quá ngọt hoặc quá mặn, lười vận động...
Cái nghiêm trọng của bệnh không lây nhiễm là nếu không điều trị “đến nơi đến chốn” sẽ để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và nguy cơ tử vong cao”.
Thăm khám cho người bệnh tăng huyết áp tại Trạm Y tế xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar. |
Để khống chế, kiểm soát, giảm tác động của các bệnh không lây nhiễm đối với sức khỏe người dân địa phương, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông tại cộng đồng, truyền thông về dinh dưỡng và các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh không lây nhiễm. Đồng thời tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng hướng dẫn người dân cách sử dụng thực phẩm an toàn, đúng cách phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phát tờ rơi cảnh báo các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, việc đầu tư nguồn lực cho phòng chống bệnh không lây nhiễm thời gian qua trên cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng chưa được chú trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến các hoạt động cho công tác này chưa được thực hiện đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được phát hiện, quản lý tại tuyến y tế cơ sở còn rất thấp do thiếu các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị lâu dài. Không những thế, công tác quản lý điều trị ung thư và bệnh phổi mạn tính chủ yếu được thực hiện ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh khiến cho số người mắc bệnh được phát hiện, quản lý điều trị còn ít, nhiều bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn dẫn đến kết quả điều trị không mang lại hiệu quả cao.
Người dân cần nâng cao ý thức, loại bỏ nguy cơ
Bệnh không lây nhiễm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu người dân không nhìn thấy được nguy cơ thì sẽ chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng tránh, dẫn đến hậu quả khó lường. Đơn cử như bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế và mất sức lao động mỗi năm.
Hay như bệnh đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ giới, gây các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng, gây tổn thương bàn chân, thậm chí có thể phải cắt cụt chi...
Nếu phòng chống các bệnh không lây nhiễm hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải tại các bệnh viện, giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc truyền thông làm cho người dân có nhìn nhận đúng về bệnh không lây nhiễm là hết sức quan trọng.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, nhằm hạn chế sự gia tăng và sự nguy hiểm của bệnh không lây nhiễm, mỗi người dân cần phải nâng cao hiểu biết, giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe như: bỏ thuốc lá, hạn chế chất cồn, nước ngọt chế biến sẵn, có chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau xanh, thường xuyên vận động, rèn luyện thể lực; chủ động khám sức khỏe, khám sàng lọc, trường hợp mắc bệnh phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
Thiết nghĩ, để công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm đạt được hiệu quả, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và toàn xã hội, ngành y tế các cấp cũng cần tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, sàng lọc phát hiện sớm các loại bệnh không lây nhiễm để điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng; triển khai và nhân rộng những mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm ngay tại y tế cơ sở…
Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành và giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015… |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc