Bệnh đột quỵ gia tăng vào mùa lạnh
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng não bị tổn thương do quá trình lưu thông máu lên não bị gián đoạn hoặc não bị thiếu oxy. Đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh đột ngột được xem là mối nguy khởi phát đột qụy não.
Khi thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch khiến thành mạch máu bị tổn thương, thậm chí có thể vỡ, gây xuất huyết não hoặc hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu dẫn đến đột quỵ não.
Theo thống kê của khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), hằng năm số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng từ 15% - 20% so với bình thường. Ngày thường khoa khám và điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân đột quỵ, nhưng cứ đến mùa lạnh số người mắc bệnh này tăng cao hơn. Mỗi tháng khoa tiếp nhận khám và điều trị cho 1.200 trường hợp bệnh, trong đó có 130 - 140 bệnh nhân bị đột quỵ.
Vào mùa lạnh, bệnh nhân bị đột quỵ tăng cao. |
Theo các bác sĩ chuyên khoa, một người bình thường đột nhiên có các triệu chứng như: nói ngọng, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức mới nói được, thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, đi lại khó khăn hoặc cảm thấy nhức đầu dữ dội…, khi đó cần nghĩ ngay tới khả năng có thể bị đột quỵ.
Như trường hợp ông Hồ Viết Thơ (ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng) có tiền sử tăng huyết áp điều trị nhiều năm, bỗng đột ngột bị liệt nửa người bên trái, tay chân trái không điều khiển được, huyết áp tăng. Sau khi ông được đưa vào cấp cứu, các bác sĩ đã chụp CT và phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch não. Do được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, tự đi lại được.
Đa số bệnh nhân đột quỵ đều có tiền sử bị tăng huyết áp. Nhiều trường hợp thấy huyết áp ổn định và ngưng sử dụng thuốc trong một thời gian ngắn khiến bệnh tái phát lại và ngày càng nặng hơn, có thể đe dọa đến tính mạng.
Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Đa ở thị xã Buôn Hồ. Người nhà bệnh nhân cho biết, ông Đa thấy cơ thể khỏe mạnh bình thường nên đã ngưng thuốc huyết áp hai ngày, ông ra vườn lao động thì bỗng nhiên thấy khó thở, người gục xuống. Các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán ông Đa bị tai biến mạch máu não, sau năm ngày điều trị hiện bệnh tình của ông đã cải thiện rất nhiều, giờ ông đã có thể nói được, chân tay cử động nhẹ.
Bệnh nhân bị đột qụy đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng (khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), đột quỵ để lại nhiều di chứng: rối loạn vận động (liệt nửa người, liệt mặt... dẫn đến tàn phế); rối loạn ngôn ngữ (nói đớ, không nói được, nói lung tung); rối loạn ý thức (tiêu tiểu không tự chủ, trầm cảm, giảm trí nhớ) và rối loạn cảm xúc, thay đổi tính tình, dễ nóng giận, cáu gắt, khóc cười vô cớ...
Để phòng bệnh đột quỵ, mọi người cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh; tập thể dục hằng ngày; kiểm soát cân nặng phù hợp; không hút thuốc lá. Kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid. Khi thấy có các dấu hiệu nguy cơ gây bệnh đột quỵ cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời, tránh để tai biến xảy ra.
Xử trí nhanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự sống còn của người bệnh đột quỵ. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân đến phòng cấp cứu trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên sẽ phục hồi di chứng đột qụy não nhanh hơn 3 tháng so với những người xử trí chậm trễ. |
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc