Bệnh mạch vành cần được phát hiện và điều trị sớm
Bệnh mạch vành là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Mạch vành là mạch máu duy nhất nuôi dưỡng cho cơ tim, khi các mạch máu vành tim bị nghẽn, lượng máu và oxy đến tim giảm sẽ gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và tổn thương ở tim. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh như nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong.
Đang điều trị tại khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), chị Nguyễn Thị Thơm (42 tuổi, trú huyện Ea Kar) cho biết trong một lần đi làm rẫy chị cảm thấy khó thở, cảm giác như vùng ngực trái bị ép chặt, đau nhói. Khoảng 5 phút sau thì cơn đau giảm dần và cơ thể trở lại bình thường. Nghĩ không sao nên chị không đi thăm khám. Gần một tháng trở lại đây cơn đau diễn ra thường xuyên hơn, chị đi khám thì được chẩn đoán bị bệnh mạch vành.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Ngọc (62 tuổi, trú phường Khánh Xuân) có tiền sử cao huyết áp và bệnh về xương khớp, thỉnh thoảng đau thắt vùng ngực, khó thở, mệt mỏi, ông cứ nghĩ là bệnh cao huyết áp uống thuốc đều đặn sẽ đỡ nên không đi kiểm tra. Gần đây, những cơn đau thắt vùng ngực thường xuyên hơn, ông đi khám thì phát hiện bị bệnh mạch vành phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại khoa Nội tim mạch (Bệnh viên Đa khoa vùng Tây Nguyên). |
Bác sĩ CKII Ngô Văn Hùng, Trưởng khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên) cho biết, bệnh mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột tử. Bệnh mạch vành tốt nhất không nên để xảy ra biến chứng bởi nếu để xảy ra biến chứng, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp sẽ rất nguy hiểm.
Triệu trứng điển hình cảnh báo bệnh mạch vành là đau thắt ngực. Đau thắt ngực được miêu tả là cơn đau nhói theo kiểu bỏng rát, thắt chặt, kim châm, tim bị đè nén, bóp nghẹt, cảm thấy nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi người bệnh gắng sức, khi xúc động, tức giận... Vị trí đau ở sau xương ức, ở chính giữa vị trí của tim, đau ngực trái thường lan ra vai trái, cánh tay và bàn tay trái, đôi khi còn có thể kèm theo nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn và yếu, mệt, chóng mặt, đánh trống ngực...
Có rất nhiều yếu tố được xác định là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, gây ra bệnh mạch vành như: nam trên 50, nữ trên 55 tuổi, tuổi càng cao thì càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh mạch vành; tiền sử gia đình có mắc bệnh; có mắc các bệnh lý đi kèm như: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì... Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: lối sống không lành mạnh, ít vận động, hút thuốc lá, nghiện rượu bia... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Để kiểm soát và dự phòng bệnh mạch vành cần phải thay đổi các thói quen, lối sống không lành mạnh như: bỏ thuốc lá (nếu hút thuốc); tập thể dục thường xuyên và thích hợp (tốt nhất là hơn 1 giờ/ngày; ít nhất 3 ngày/tuần); tránh stress; ăn giảm muối, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật (đặc biệt là lòng hay dạ dày lợn…); hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, tránh tăng cân. Điều trị tốt một số bệnh lý có liên quan trực tiếp đến bệnh mạch vành như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và béo phì; tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân cần dự phòng tái phát bệnh. Hiện nay, bệnh mạch vành có thể được chẩn đoán sớm bằng các phương pháp như: điện tâm đồ, đo điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim, chụp động mạch vành qua da...
Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc