Multimedia Đọc Báo in

Nguy hiểm khi tái sử dụng đơn thuốc

07:31, 14/12/2019

Đơn thuốc do bác sĩ kê chỉ có giá trị sử dụng một lần tại thời điểm khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít bệnh nhân lại tái sử dụng đơn thuốc ở những lần mắc bệnh có triệu chứng tương tự, thậm chí tự ý tư vấn cho người khác sử dụng theo đơn thuốc của mình. Đây là một việc làm vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

Như trường hợp chị Trịnh Thị Thu Dung (trú huyện Cư M’gar) có con bị viêm phổi. Sau khi khám, điều trị tại bệnh viện, con chị Dung được bác sĩ kê đơn và cho xuất viện. Thấy con uống thuốc hết bệnh, chị giữ lại toa thuốc của bác sĩ. Mỗi lần thấy con có các biểu hiện ho, sổ mũi, thở khò khè là chị lại mang đơn ra quầy thuốc tây mua thuốc mà không đưa con đi khám lại. Chị thậm chí chị còn chia sẻ lên mạng xã hội cho các bà mẹ có con bị bệnh tương tự.

Còn chị Nguyễn Mai Trang (trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) có con nhỏ bị chàm sữa trên má.  Chị đã dùng rất nhiều bài thuốc điều trị cho con từ dân gian cho tới thuốc tây nhưng bé không đỡ. Có lần, chị đăng các triệu chứng của con mình lên mạng xã hội thì được rất nhiều bà mẹ chia sẻ các đơn thuốc trị chàm sữa. Chị cũng mua theo bôi cho con, nhưng càng ngày bé càng bị nặng hơn. Khi chị đưa bé đi khám bác sĩ da liễu thì được biết con bị chàm sữa và tai biến da do lạm dụng nhiều thuốc có thành phần corticoid. Sau lần đó, chị Trang không bao giờ dám dùng các đơn thuốc mà ai chia sẻ, mỗi lần con mắc bệnh là chị đều đưa con đến bác sĩ khám và điều trị.

Đơn thuốc do bác sĩ kê chỉ có giá trị sử dụng một lần tại thời điểm khám, chữa bệnh. (Ảnh minh họa: Quang Nhật)
Đơn thuốc do bác sĩ kê chỉ có giá trị sử dụng một lần tại thời điểm khám, chữa bệnh. (Ảnh minh họa: Quang Nhật)

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, mọi người cần lưu ý mỗi đơn thuốc chỉ để điều trị bệnh ở thời điểm đó. Ngay cả đối với bệnh mạn tính, dù là bệnh cũ tái phát, nhưng ở thời điểm khác mức độ bệnh đã khác, thể trạng của người bệnh cũng khác, vì thế bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám để bác sĩ cho đơn thuốc mới.

Thuốc uống dù đúng bệnh, nhưng phải có liều lượng nhất định, sử dụng đúng lứa tuổi, cân nặng, kể cả thuốc bổ. Thuốc bôi da cũng phải sử dụng theo đúng lứa tuổi bởi cùng một bệnh nhưng đối với trẻ em và người lớn bôi thuốc khác nhau; hơn nữa, cùng một bệnh, nhưng tùy vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định các loại thuốc bôi khác nhau.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), việc tái sử dụng đơn thuốc đã và đang được rất nhiều người áp dụng, đặc biệt nhiều bà mẹ hay dùng lại đơn thuốc cũ mà bác sĩ đã ghi đơn trước đây để dùng khi trẻ bị bệnh trở lại. 

 

Không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn thuốc của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn. Khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.

 

 
Bác sĩ Trần Thị Thúy

Thậm chí, không ít người dân còn sử dụng đơn thuốc mà loại thuốc, liều lượng, cách dùng được áp dụng cho cả người lớn lẫn trẻ em. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi người lớn và trẻ em sẽ có các loại thuốc với liều lượng dùng khác nhau, không cẩn thận sẽ khiến người bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, gặp các biến chứng nguy hiểm do sử dụng thuốc sai liều lượng…

Có không ít trường hợp trẻ bị ho, sốt có thể là biểu hiện của những bệnh hô hấp thông thường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê các thuốc điều trị triệu chứng, không cần dùng đến kháng sinh. Sau đó, trẻ tiếp tục bị bệnh với các biểu hiện ho, sốt nhưng lại là triệu chứng của bệnh viêm phổi.

Lúc này, nếu cha mẹ cho trẻ dùng đơn thuốc cũ, không có kháng sinh điều trị thì bệnh của trẻ có thể chuyển biến nặng nhanh chóng. Nguy hiểm hơn, nếu cứ thấy trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi mà cha mẹ tự ý cho dùng kháng sinh thì chắc chắn sẽ gia tăng tỷ lệ kháng thuốc ở trẻ.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.