Multimedia Đọc Báo in

Tái sử dụng khẩu trang y tế: Nguy hiểm khôn lường

18:28, 13/03/2020

Do không biết rõ tác dụng của khẩu trang y tế nên một số người đã tái sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, khẩu trang y tế chỉ được sử dụng một lần.

Việc sử dụng nhiều lần làm tăng nguy cơ lây nhiễm do khẩu trang đã tiếp xúc bụi bẩn, giọt bắn từ miệng hoặc bị nhàu nát, không còn tác dụng bảo vệ.

Trước đây, chưa bao giờ anh T.T.N (46 tuổi), lái xe đường dài ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đeo khẩu trang y tế. Nhưng ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát mạnh thì anh N. bắt đầu sử dụng khẩu trang y tế mỗi khi đi làm. Tuy nhiên, một chiếc khẩu trang y tế được anh N. sử dụng tái đi tái lại nhiều lần trong ngày, thậm chí dùng đến khi khẩu trang y tế bị nhàu nát, anh N. mới vứt bỏ. “Sau mỗi lần sử dụng tôi thấy khẩu trang vẫn còn mới, vứt bỏ thì phí vì thời điểm dịch khẩu trang khan hiếm khó mua nên tôi dùng 2 ngày rồi mới vứt”, anh N. cho hay.

Chị M.T.M (28 tuổi), nhân viên văn phòng tại phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên đeo khẩu trang y tế bên trong kèm khẩu trang vải bên ngoài mỗi khi ra đường. Tuy nhiên, khẩu trang y tế được chị M. sử dụng khá nhiều lần trong ngày. Do đeo hai khẩu trang nên chị M. cho rằng khẩu trang y tế không tiếp xúc với bên ngoài, lại có lớp khẩu trang vải bảo vệ nên chị tái sử dụng khẩu trang y tế từ 3 - 4 lần đeo.

Khẩu trang y tế chỉ sử dụng một lần. (Ảnh minh họa)
Khẩu trang y tế chỉ sử dụng một lần. (Ảnh minh họa)

Không chỉ anh N., chị M., nhiều người khác cũng có thói quen sử dụng nhiều lần một chiếc khẩu trang y tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, khẩu trang y tế là loại khẩu trang chỉ được sử dụng một lần và tuyệt đối không nên sử dụng lại bởi việc tái sử dụng sẽ mang lại nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Khi đeo khẩu trang y tế ra ngoài và tiếp xúc với những người xung quanh thì bụi bẩn, vi khuẩn, vi rút, các tác nhân gây bệnh từ môi trường cũng như các giọt bắn ra từ quá trình tiếp xúc sẽ bám lên mặt ngoài của khẩu trang; mặt trong khẩu trang cũng tiếp xúc với những giọt bắn từ mũi miệng khi chúng ta nói, hắt hơi, mồ hôi, các chất bã nhờn, bụi bẩn trên da cũng bám vào mặt trong của khẩu trang; do đó, nếu sử dụng lại khẩu trang y tế sẽ không đảm bảo vệ sinh, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Mỗi khi tháo khẩu trang, mặt trong của khẩu trang phơi ra ngoài khiến các tác nhân trong môi trường bám vào, nếu lại đeo khẩu trang vào thì các tác nhân sẽ tiếp xúc trực tiếp với da, mũi, miệng, vi khuẩn từ đó có thể lây lan sang tay, các đồ dùng và vị trí xung quanh. Nếu chạm vào sẽ có nguy cơ đưa các tác nhân vương vãi đến nhiều vị trí khác trên cơ thể. Bên cạnh đó, khẩu trang dùng lại thường nát, nhàu do cọ xát, cất giữ không đúng cách và cũng không bảo đảm an toàn về tính lọc cũng như tính thấm của khẩu trang. Các tác nhân từ bên trong sẽ dễ dàng lọt qua để ra ngoài và ngược lại khiến tác dụng bảo vệ của khẩu trang không còn được đảm bảo.

Theo khuyến cáo, người dân nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, song nếu không bị mắc bệnh thì không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế mà có thể dùng khẩu trang vải. Khi dùng, cần lưu ý chọn loại vải tương đối dày, ôm sát gương mặt, đặc biệt phải giặt sạch hằng ngày…

Còn khi sử dụng khẩu trang y tế, mang khẩu trang đúng cách là phải che được mũi, miệng, chỉ chỉnh sửa bằng tay một lần ngay sau khi đeo và tránh chạm tay vào bề mặt ngoài của khẩu trang vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh. Khẩu trang ướt phải thay liền vì khi ẩm sẽ có khả năng bám bụi, bắt vi rút cao hơn. Khi tháo khẩu trang, chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn, đúng quy định. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Cần rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.