Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa dịch Covid-19

18:41, 18/04/2020

Dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, đặc biệt là người cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính. Do đó, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở người cao tuổi là việc làm vô cùng cần thiết.

Theo thống kê tỷ lệ người trên 70 tuổi tử vong vì Covid-19 cao gấp gần 10 lần so với nhóm người ở lứa tuổi trung niên. Tại Trung Quốc, nơi khởi phát căn bệnh này, hơn 80% trường hợp tử vong là người cao tuổi; tại Italy tỷ lệ tử vong ở người trên 80 tuổi là gần 60%. Lý giải về thực trạng này, các chuyên gia y tế cho biết: Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch đã bị suy yếu theo thời gian. Hơn nữa, hầu hết người cao tuổi đều mắc các bệnh mãn tính (bệnh lý nền) như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, viêm phổi, suy thận… nên khi mắc Covid-19, tình trạng bệnh sẽ nặng nề hơn người bình thường. Theo bác sĩ CK1 Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa Lão (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), Covid-19 sẽ làm bệnh lý nền trở nặng, dễ dẫn đến các đợt cấp. Bên cạnh đó, sự tương tác giữa bệnh mới và bệnh lý nền, tương tác giữa các loại thuốc điều trị sẽ làm cho bệnh nặng dần lên, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ CK1 Phạm Ngọc Liễu khám cho bệnh nhân tại Khoa Lão, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đình Thi
Bác sĩ CK1 Phạm Ngọc Liễu khám cho bệnh nhân tại Khoa Lão, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đình Thi

Trong thời điểm này, toàn cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi được khuyến cáo nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, do vậy các cơ sở y tế cũng hạn chế tiếp nhận các bệnh nhân điều trị nội trú. Tại Khoa Lão (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), hiện lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa chỉ bằng 1/3 ngày thường. Tất cả số bệnh nhân này đều mắc bệnh nặng, cần sự chăm sóc đặc biệt của thầy thuốc, những bệnh nhân khác chỉ đến khám và được hướng dẫn dùng thuốc tại nhà. Bà Hồ Thị Hương (70 tuổi, ở xã Quảng Phú, huyện Cư M’gar) bị đau thần kinh tọa và huyết áp cao, phải thường xuyên tới Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh điều trị nội trú. Nhưng hơn hai tháng nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà chỉ đến bệnh viện khám và xin được điều trị ngoại trú. Bà Hương cho biết tại địa phương nơi bà ở, cán bộ y tế và công an thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh và khuyên bà không nên ra ngoài khi không có việc cần thiết.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ và Bộ Y tế đã dành mối quan tâm đặc biệt đến sức khỏe người cao tuổi và đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền và ngành y tế các tỉnh, thành về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 ở đối tượng này.

Theo đó, yêu cầu các cơ sở y tế cấp thuốc điều trị bệnh mãn tính cho các trường hợp điều trị ngoại trú ít nhất 2 tháng. Đồng thời khuyến cáo người cao tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ra khỏi nhà có tiếp xúc với nhiều người; tránh đến nơi đông người, nếu phải ra ngoài cần đeo khẩu trang và dùng dung dịch sát khuẩn tay nhanh thường xuyên; giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, dùng quạt thay cho máy điều hòa; ngủ đủ giấc, từ 7 - 8 tiếng/ngày; tăng cường vận động, tập thể dục tại nhà. Đặc biệt, cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng.

Bác sĩ CK1 Phạm Ngọc Liễu cho biết dinh dưỡng hợp lý đối với người cao tuổi rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Người cao tuổi nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi; bổ sung vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, vitamin D giúp chuyển hóa canxi cho hoạt động của các tế bào; uống đủ nước giúp hệ bài tiết “tống” các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.

Bác sĩ cũng khuyến cáo thêm đối với những người mắc các bệnh mãn tính đang điều trị tại nhà như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, viêm phổi, suy thận… cũng không nên tuyệt đối hóa khái niệm “không ra ngoài”. Khi cơ thể có bất kỳ sự thay đổi nào hoặc triệu chứng nặng hơn cần báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh diễn tiến xấu.

Nguyễn Thu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.