Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan với bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai

16:59, 17/07/2020

Trầm cảm là một trong những vấn đề thai phụ thường gặp khi mang thai. Trầm cảm khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.

Nhiều thai phụ không biết hoặc che giấu việc mình mắc bệnh trầm cảm nên khi bệnh được phát hiện thì thường đã ở mức độ nặng và để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Trầm cảm là một bệnh lý y tế liên quan đến tâm trí và cơ thể. Trầm cảm có thể dẫn đến một loạt các vấn đề tình cảm và thể chất; có thể gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày và trầm cảm có thể làm cho người bệnh cảm thấy như thể cuộc sống là không đáng sống.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, dấu hiệu thai phụ bị trầm cảm là luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thất vọng hoặc trống rỗng; dễ cáu kỉnh, bối rối, lo âu hoặc thường xuyên khóc, buồn vô cớ; giảm hoặc mất hứng thú đối với môi trường xung quanh. Kích thích tăng động hoặc chậm chạp. Nhịp tim tăng, có hiện tượng choáng ngất, toát mồ hôi, khó thở, cảm thấy mình giống như bị suy tim hoặc có cái gì đó đang tấn công mình. Hành xử và kỹ năng xã hội không được như trước, phán đoán không linh hoạt. Khả năng tập trung kém.

Thai phụ nên đọc sách, đi dạo với bạn bè và người thân. Ảnh: Đình Thi
Thai phụ nên đọc sách, đi dạo với bạn bè và người thân. Ảnh: Đình Thi

Có ít nhất 10% phụ nữ mắc chứng trầm cảm trong giai đoạn mang thai. Trầm cảm có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với một số chị em, biểu hiện mỗi người mỗi khác, không vì một lý do cụ thể nào. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới người mẹ mang thai về mặt tình cảm, thể chất, trong cách cư xử mà còn khiến thai nhi trong bụng cũng bị ảnh hưởng. Đối với thai nhi, chứng trầm cảm ở mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai, đẻ non, thai nhi phát triển không tốt, sau khi sinh em bé có thể gặp phải một số chứng bệnh như tự kỷ, chậm phát triển...

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm ở phụ nữ mang thai như:  Sự tăng giảm của hormone ảnh hưởng đến tất cả phụ nữ có thai nhưng một số sẽ nhạy cảm hơn. Nội tiết tố thay đổi làm cảm xúc của thai phụ thay đổi theo hướng mạnh hơn với các vấn đề hay nhạy cảm hơn với những vấn đề xảy ra. Mâu thuẫn giữa vợ chồng hay với những người xung quanh không được giải quyết một cách thoải mái nhất sẽ khiến thai phụ cảm thấy buồn rầu, khó chịu, lo lắng. Hay tiền sử đã mắc bệnh trầm cảm, gia đình có người bị trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực; thai phụ không nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình và xã hội; mang thai ngoài ý muốn…

Bác sĩ Hoa khuyến cáo, để phòng bệnh trầm cảm, thai phụ hãy luôn ưu tiên bản thân trong danh sách những thứ cần làm. Chăm sóc bản thân nhiều hơn. Thay vì lau nhà, dọn dẹp nhà cửa thì nên đọc sách, đi dạo; tâm sự những điều làm mình sợ hãi và lo lắng với bạn bè, người thân, luôn trò chuyện với chồng một cách cởi mở. Các thai phụ thường được khuyên là nên nghe - đọc - xem những thứ trong sáng để em bé sinh ra cũng sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng như thế. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc cũng giúp tâm trạng tốt lên. Duy trì lối sống khoa học, ăn thường xuyên và chia nhiều bữa nhỏ để bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con. Tập luyện đều đặn bài tập dành cho bà mẹ mang thai giúp tinh thần phát triển theo hướng tích cực, thai phụ sẽ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển dạ và giảm bớt căng thẳng.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.