Multimedia Đọc Báo in

Viêm gan vi rút với người nhiễm HIV

05:46, 13/09/2020

Viêm gan vi rút là tình trạng tổn thương gan cấp tính hay mạn tính do tác nhân là siêu vi có ái tính với tế bào gan gây ra.

Hai tác nhân gây bệnh thường gặp là vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV). So với các tác nhân gây viêm gan vi rút khác như siêu vi A hoặc E lây truyền qua đường ăn uống thì HBV và HCV lây truyền qua đường máu, có chung đường lây truyền với HIV và cũng là nguyên nhân làm gia tăng tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV.

Cả hai chủng đều gây viêm gan B hay C cấp tính, tức xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi một người tiếp xúc với HBV, HCV. Ở một số người, nếu HBV cấp tính không được kiểm soát thì có thể dẫn đến HBV mạn tính, đây là bệnh lý tổn thương gan suốt đời tăng nguy cơ mắc phải biến chứng xơ hóa gan và ung thư gan. Trong khi đó, phần lớn các trường hợp nhiễm HCV đều khó có khả năng đào thải hoàn toàn vi rút mà bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Nếu không điều trị, HCV cũng có nguy cơ gây ung thư gan hay suy gan như HBV với tỷ lệ ung thư gan nổi bật hơn.

Khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV tại khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).
Khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

HIV và HBV, HCV đều có con đường lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác. Vì lý do này, các yếu tố nguy cơ chính đối với HIV và đồng nhiễm thêm HBV, HCV là như nhau, thông qua việc quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm hay từ mẹ sang con. Vi rút HIV là nguyên nhân đẩy nhanh diễn biến tự nhiên của quá trình nhiễm vi rút viêm gan C nên người đồng nhiễm tiến triển nhanh hơn tới xơ gan, ung thư gan và bệnh gan giai đoạn cuối so với người nhiễm vi rút viêm gan C đơn thuần. Vi rút viêm gan C còn làm tăng độc tính của các thuốc kháng HIV cho gan và giảm đáp ứng với điều trị ARV (thuốc kháng vi rút HIV). Đồng nhiễm HCV thường gặp ở người nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy, bệnh nhân thường có bệnh gan tiến triển nhanh hơn so với người không nhiễm HIV, nguy cơ nhiễm độc gan do các thuốc kháng vi rút cũng cao hơn.

Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) hiện đang điều trị cho 237 bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, trong đó có 6,31% nhiễm HIV, 12,6% nhiễm HBV và 82,05% nhiễm HCV. Do vậy, điều trị cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV/HCV hoặc HIV/HBV đang là vấn đề trăn trở của các bác sĩ tại đây.

HBV, HCV đều được điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Các loại thuốc này giúp làm giảm tải lượng vi rút tăng sinh trong máu nên có tác dụng giúp hạn chế tổn thương gan. Những người đồng nhiễm HIV và HBV, HCV nên được điều trị cho cả hai bệnh nhiễm trùng bởi lẽ một số loại thuốc kháng HIV có hiệu quả trong điều trị HBV.

Tại khoa Phòng, chống HIV/AIDS, ngoài việc thực hiện điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhân, các y bác sĩ còn chú trọng lồng ghép truyền thông để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhận thức được các đường lây bệnh như: qua đường truyền máu, sản phẩm máu; từ mẹ sang con khi sinh; lây truyền qua dụng cụ y khoa, tiêm chích ma túy, xăm mình… nhằm phòng ngừa lây truyền các loại vi rút viêm gan.

Tuy nhiên, để công tác phòng chống đồng nhiễm các bệnh viêm gan do vi rút đối với người nhiễm HIV, cần có một chiến lược dài hơi, cách dự phòng có hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho những người có yếu tố nguy cơ cao. Đối với viêm gan vi rút C hiện nay chưa có vắc xin tiêm phòng, do vậy chỉ có biện pháp phòng tránh lây lan theo đường máu, đường quan hệ tình dục, đường tiếp xúc với máu và dịch tiết của người viêm gan.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.