Cẩn trọng khi tự mua thuốc điều trị bệnh tại nhà
Thuốc tân dược là loại hàng hóa đặc biệt. Việc mua bán và sử dụng loại hàng hóa này đã được ngành chức năng quy định cụ thể.
Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều loại nằm trong danh mục thuốc kê đơn vẫn được mua bán một cách dễ dàng. Nhiều người có thói quen tự mua thuốc về điều trị khi mắc bệnh mà không cần đến khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, kê đơn.
Khảo sát thực tế tại một số quầy thuốc tân dược trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và các địa phương khác như Cư Kuin, Buôn Đôn, Cư M’gar... cho thấy, tình trạng người mua, người bán không cần đơn của bác sĩ diễn ra phổ biến. Phần lớn người bán thuốc chỉ cần nghe người mua mô tả về triệu chứng bệnh, hoặc có yêu cầu là bán thuốc ngay mà “quên đi” quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế. Việc mua bán thuốc không chỉ đối với các loại thuốc thông thường như hạ sốt, tiêu hóa, cảm cúm... mà nhiều loại kháng sinh và cả các loại thuốc thuộc diện bắt buộc phải bán theo đơn vẫn được các cửa hàng thuốc bán một cách tự do.
Người dân mua thuốc tại một quầy thuốc trên đường Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột. |
Có mặt tại một hiệu thuốc trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi nghe câu chuyện của một bệnh nhân trình bày với nhân viên cửa hàng thuốc: “Hai ngày nay tôi bị đau đầu, đau bụng, chóng mặt... Cô bán cho tôi vài liều...”. Ngay lập tức, nhân viên đưa thuốc cho người mua kèm theo lời căn dặn: “Chị uống trong 2 ngày, nếu không đỡ thì quay lại tôi sẽ cho liều cao hơn”. Đây là một trong rất nhiều trường hợp người dân mua thuốc tự điều trị khi thấy mình có một số triệu chứng bệnh mà không cần đến bác sĩ kê đơn.
Theo bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế, thuốc tân dược được ví như “con dao hai lưỡi” bởi những tác dụng phụ của nó. Đặc biệt đối với thuốc kháng sinh thì chỉ sử dụng khi bị các bệnh nhiễm khuẩn và phải được bác sĩ chỉ định. |
Rõ ràng, việc tự mua thuốc để điều trị bệnh là rất nguy hiểm, nhất là các loại thuốc giảm đau, kháng sinh... Một bác sĩ ở Phòng khám đa khoa Vạn An (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân sau khi mua thuốc tự điều trị nhiều ngày không khỏi bệnh mới chịu đến cơ sở y tế. Khi đưa thuốc đã mua trước đó, nhiều loại bác sĩ cũng không nhận biết được là loại thuốc gì, vì đã bị lột bỏ vỏ hộp. Cách đây hơn một tuần, phòng khám cũng tiếp nhận một bệnh nhân 2 tuổi ở huyện Cư M’gar bị suy thượng thận cấp. Nguyên nhân là do cha mẹ tự ý cho con uống thuốc ho chứa corticoid kéo dài gây biến chứng. Theo lời người nhà bệnh nhân, do con trai thường xuyên bị tiêu chảy, ho nên gia đình đã tự ra cửa hàng mua thuốc về điều trị. Sau 2 tháng, thấy con tăng cân bất thường mà vẫn ho nên mới đưa bé đến phòng khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy thượng thận cấp, cần nhập viện điều trị.
Nhiều viên thuốc đã bị lột vỏ rất khó nhận biết là loại gì. |
Việc sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng chỉ định dễ gây phản ứng dị ứng, mẫn cảm, phản ứng phản vệ nguy hiểm có thể dẫn đến chết người.
Để hạn chế tình trạng người dân tự ý mua thuốc chữa bệnh tại nhà và các quầy thuốc tự do bán thuốc thuộc danh mục phải kê đơn, thiết nghĩ ngành y tế cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý mạnh tay đối với các cơ sở bán thuốc không tuân thủ nghiêm các quy định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thuốc và cách sử dụng thuốc tân dược, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc